Đưa các cháu lên nóc tủ hồ sơ, đỡ các cháu đu lên bệ cửa sổ, cho các cháu đứng trên vai cô ngâm mình dưới nước, có cháu rơi xuống nước cô giáo lặn ngụp tìm vớt... 13 học sinh mẫu giáo đã được 4 cô giáo cứu trong cơn lũ dữ.

 

Người nhà các học trò Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) vui mừng đón con em mình sau khi được các cô giáo cứu thoát - Ảnh: NGỌC THẮNG

 

Chiều 14-12, tại Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên), cán bộ, chiến sĩ và người dân đến trợ giúp nhưng việc dọn dẹp vệ sinh vẫn chưa xong.

Chỉ tay vào chiếc tủ đựng nhiều hồ sơ, sổ sách trong phòng học của trường bị ướt sau trận lũ quét, cô Thái Thị Tuyết Hồng nói: “Hôm qua, nếu không có cái tủ này thì cô trò chúng tôi đã bị chết đuối hết rồi”.

Trò đứng trên vai, cô ngâm mình dưới nước

 

Cô Hồng kể sáng 13-12, do trời mưa to nên chỉ có hơn 30 cháu đến lớp học. 12g, mưa càng to, nước bắt đầu lớn nên ban giám hiệu gọi điện báo cho phụ huynh đón các cháu về.

 

Chỉ có gần 20 cháu được cha mẹ đón về kịp thời. 30 phút sau thì 13 cháu còn lại và 4 cô giáo ở lại giữ lớp không thể ra ngoài được, chỉ biết kêu cứu vì nước đã ngập hơn 1,5m.

Trong khi đó, phụ huynh của các cháu đứng trên quốc lộ 1, cách trường chừng 100m cũng không thể bơi vào ứng cứu.

 

“Ban đầu cứ nghĩ mọi việc bình thường, nhưng không ngờ nước lại lên nhanh. Đã sống ở đây hơn 40 năm, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ lên nhanh như thế này” - cô Hồng nói.

 

Trong cơn nguy khốn, các cô cho các cháu học sinh còn mắc kẹt đu lên ba bệ cửa sổ của phòng học và ngồi lên đầu tủ đựng hồ sơ của trường cao gần 2m. Mỗi cô “phụ trách” một cửa sổ và trông coi chiếc tủ.

 

“Chúng tôi kê bàn ghế, rồi đứng ở dưới để các trò một chân đứng lên vai chúng tôi, một chân đứng lên bệ cửa sổ. Cứ thế, nước ngập đến đâu thì chúng tôi kê cao lên thêm đến đó. Miễn sao các cháu không bị ướt và lạnh. Chúng tôi xác định thà cô chết chứ không để học trò chết” - cô Nguyễn Thị Hòa, hiệu phó Trường mẫu giáo An Hiệp, kể lại.

 

Cô Nguyễn Thị Hòa (trái) và cô Thái Thị Tuyết Hồng (phải) bên học sinh của mình sau khi được cứu thoát khỏi lũ dữ - Ảnh: NGỌC THẮNG

Khóc vì sợ, khóc vì mừng

Trong khi cho các cháu đu trên cửa sổ, bé Đỗ Khánh Thương (5 tuổi) đuối quá bị rơi xuống nước. Mực nước trong phòng học lúc này đã lút đầu người lớn.

Cô Nguyễn Thị Hòa không quản hiểm nguy, lặn vớt bé Thương, đưa lên đầu tủ ngồi. Lúc đó, cô và trò ôm nhau mà khóc.

 

“Ngày hôm trước tôi hiến máu tình nguyện, người không được khỏe thì ngày hôm sau gặp trận lũ quét. Lúc đó tôi nghĩ là làm sao đưa tất cả 13 trẻ ra khỏi lớp an toàn là được. Thà cô chết chứ không để trò chết. Đến khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được cô trò, đưa các cháu ra ngoài, chúng tôi bật khóc vì mừng” - cô Thái Thị Tuyết Hồng nói.

 

Ông Nguyễn Văn Lung, trưởng thôn Mỹ Phú 2, một trong sáu người tham gia cứu các cô trò của Trường mẫu giáo An Hiệp, cho biết nguyên nhân nước lớn bất thường là do vỡ bờ suối ở phía trên thôn, gây ngập hàng trăm ngôi nhà, trong đó có trường mẫu giáo.

 

Một cô giáo Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) nằm trên phao, tay ôm chặt một học sinh trong lòng, được các thanh niên cứu thoát khỏi lũ dữ vào chiều 13-12 - Ảnh: NGỌC THẮNG

“Khi nghe tiếng kêu cứu của các cô giáo thì anh em chúng tôi bơi vào trường. Tuy nhiên do nước chảy xiết nên việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi và năm thanh niên trong thôn vẫn gắng sức bơi vào và phát hiện 13 cháu nhỏ cùng bốn cô đang mắc kẹt trong phòng học”.

 

Trong tình thế nguy cấp đó, ông Lung và các thanh niên lấy một dàn đồ chơi các cháu có hình chiếc mai rùa, lật ngược lại làm chiếc sõng đưa các cô trò ra. “Mỗi lượt 3-5 người, trò ra trước, cô ra sau, cứ thế đến khi hết người mắc kẹt thì thôi” - ông Lung thuật lại.

 

Bệ cửa sổ nơi các cháu bé bám vào trong cơn lũ - Ảnh: KIM THỦY

 

Sách vở, học cụ hư hỏng hết

Trận lũ quét vừa qua đã làm toàn bộ đồ dùng dạy học của Trường mẫu giáo An Hiệp bị hư hỏng, bùn đất đóng trên sàn nhà dày gần nửa mét. Ngày 14-12, Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy An phải điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng người dân địa phương đến giúp nhà trường dọn dẹp vệ sinh.

 

Theo cô Võ Thị Thu Sương, hiệu trưởng nhà trường, ngoài sách vở, hồ sơ bị ngấm nước, 4 bộ máy tính và một màn hình tivi cùng nhiều chăn màn, gối chiếu của học sinh nơi đây bị nước cuối trôi. “Sắp tới chúng tôi không biết lấy gì để dạy, còn các cháu thì không có sách vở để học, vì sách vở mẫu giáo không bán ngoài thị trường mà đặt mua từ nhà xuất bản từ đầu năm học. Trước tình cảnh khó khăn này, nhà trường rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng” - cô Sương chia sẻ.

 

 

                                                                TheoTuoitre

Các tin khác


Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Phó Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Những năm gần đây, với phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, xã Tân Thành (Mai Châu) đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, Phó Bí thư chi đoàn xóm Chiêng Lường Văn Hân là tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục