(HBĐT) - Gần 3 tháng trở lại đây, người dân xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) đã quen với bóng dáng những con đà điểu cao lênh khênh trong một gia trại tại xóm Lục 2. Chúng tôi đến tìm hiểu và càng bất ngờ hơn khi chủ gia trại là anh Bùi Văn Vính, trưởng xóm Lục 2, chàng trai 9x đầy nhiệt huyết và năng động.


Anh Bùi Văn Vính, xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) chăm sóc đà điểu tại gia trại.

 Đà điểu đến với anh như một cái duyên. Anh Vính kể lại: "Sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự, trong một lần lên thăm nhà người đồng ngũ ở Ba Vì (Sơn Tây), tôi nghe mọi người nói chuyện về mô hình nuôi đà điểu và bắt đầu say mê từ đó”. Anh tìm đến những mô hình tiêu biểu ở Sơn Tây đây để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời mua sách, báo, tài liệu về kỹ thuật nuôi đà điểu về đọc. Nhận thấy kỹ thuật nuôi đà điểu không khó, anh liền vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Lạc Sơn mua 20 con đà điểu giống từ Trạm nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì, xây dựng chuồng trại. "Khi nghe tôi đi vay tiền mua đà điểu về nuôi, ai cũng ngăn cản. Mọi người bảo, những vật nuôi truyền thống như lợn, gà còn lỗ nặng, nói gì đến con vật lạ như đà điểu” - Anh Vính nhớ lại, nhưng vì lòng say mê, anh vẫn quyết tâm đi con đường của mình.

 Đà điểu là giống chim hoang dã, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, chúng được thuần hóa thành vật nuôi và phát triển nhanh chóng ở nhiều nơi bởi mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, thức ăn cho đà điểu tương đối đơn giản, chủ yếu là rau, cỏ, ngô, sắn... Anh Vính cho biết: "Đà điểu sống quen trong môi trường hoang dã nên rất sợ tiếng ồn, do đó, trang trại phải tách biệt với khu dân cư. Đây là giống ưa chạy nhảy nên chuồng phải có diện tích rộng, nền cát để đà điểu khỏi trơn trượt”.

 Hiện tại, anh Vính đang nuôi thử nghiệm 20 con đà điểu. Khi lấy từ trại giống về, đà điểu mới được 3 - 4 kg, sau 3 tháng, mỗi con tăng lên 20-25 kg. Dự kiến đến cuối năm, mỗi con đà điểu đạt 70-80 kg và sẽ cho xuất chuồng. Mỗi con đà điểu 3 tháng tuổi anh mua về với giá 2,3 triệu đồng, sau khi xuất chuồng sẽ có giá 100.000 - 120.000 đồng/kg (hơi). Ngoài sản phẩm thịt đà điểu, anh dự kiến sẽ bán thêm trứng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi con đà điểu cái đẻ từ 35 - 40 quả trứng/năm, quả bé nhất khoảng 0,8 kg, quả lớn 1,8 kg. Trên thị trường hiện nay, trứng đà điểu có giá 150.000 đồng/quả (trứng thịt) và 450.000 đồng/quả (có phôi) để ấp nở. Anh Vính cho biết: "Nếu mô hình thành công sẽ là hướng đi vững chắc để phát triển kinh tế, bởi thịt và trứng đà điểu đang là món ăn đặc sản có giá cao tại các nhà hàng, khách sạn. Nếu có đủ nguồn hàng thịt đà điểu để xuất khẩu thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Ngoài ra, ngay cả da, xương, lông, vỏ trứng của đà điểu đều có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ”. Trong thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại từ 500 m2 lên 1000 m2, đồng thời mở rộng liên kết với các cơ sở, nhà hàng dưới Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm tạo đầu ra ổn định.

 Hiện tại, chàng trai sinh năm 1994 Bùi Văn Vính đã là đảng viên, chủ gia trại, trưởng xóm gương mẫu. Đồng chí Bùi Văn Chủng, Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho biết: "Những tín hiệu khả quan ban đầu từ việc nuôi đà điểu theo mô hình gia trại của anh Bùi Văn Vính đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ cùng khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Mong muốn các cấp, ngành có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, con giống, tạo điều kiện giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp”.

 

                                                                        Hoàng Anh

 

Các tin khác


Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục