(HBĐT) - Một số người bất ngờ “mất tích”, mất nhà, tài sản, sống trong bất an, những vụ siết nợ nghẹt thở… Đó là hệ quả của vòng xoáy tín dụng đen. Đây là hoạt động cho vay bất hợp pháp không thông qua hệ thống ngân hàng với mức lãi suất vượt lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước nhiều lần. Tỉnh ta tuy chưa xảy ra những vụ vỡ nợ lớn nhưng tín dụng đen vẫn như những đợt sóng ngầm âm thầm len lỏi vào cuộc sống.

 

Chuyện chị Nguyễn Thị T. ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chuyên kinh doanh quần áo bất ngờ “mất tích” để lại đứa con chưa đầy 1 tuổi cho bà ngoại làm cả gia đình và bạn bè ngỡ ngàng. Ai cũng thắc mắc chị buôn bán có duyên, đông khách mà sao lại có ngày những đối tượng xăm trổ đầy người đến siết nợ?! Mới đây, chủ cầm đồ ở khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đe dọa, ép người vay phải viết khống giấy nợ nhiều hơn số tiền vay… Thời gian gần đây, tín dụng đen còn “lan” vào cả CB, CC, VC khiến một số người phải bỏ việc hoặc bị buộc thôi việc.

Cán bộ đội Quản lý hành chính về TTXH (Công an TP Hòa Bình) kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với dịch vụ cầm đồ.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, để huy động được tiền, các đối tượng gây vốn tín dụng đen đánh đúng vào lòng tham, sự nhẹ dạ của người dân. Từ việc được hứa trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng, nhiều người đã dốc hết tiền hoặc vay anh em, họ hàng cho các đối tượng vay, thậm chí, có người còn thế chấp nhà vào ngân hàng để vay tiền cho các đối tượng vay lại với lãi suất cao hơn. Lòng tin được đặt vào số tài sản như biệt thự, phương tiện đắt tiền, lối sống xa hoa của chủ nợ mà không kiểm chứng tiền ấy ở đâu ra. Khi đã “ôm” được số tiền lớn, đối tượng đột ngột biến mất. Tín dụng đen còn biến tướng ở các cửa hiệu cầm đồ. Chỉ cần vài giấy tờ đơn giản trong vòng vài giờ người vay đã nhận được tiền triệu hay cả trăm triệu đồng. Số tiền vay do chủ tự định giá, lãi suất được tính theo ngày, tuần, tháng tùy giá trị món hàng, thường từ 2.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (lãi suất có thể lên đến từ 72 - 108%/năm). Tỉnh ta tuy chưa chưa xảy ra vụ đổ bể, vỡ nợ lớn nhưng tín dụng đen như sóng ngầm, âm thầm len lỏi vào cuộc sống người dân và cả doanh nghiệp. Nhiều trường hợp phải bán nhà để trả nợ hoặc bỏ trốn, một số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản.

 

Mấy năm trở lại đây, dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính nở rộ. Các cột điện, bốt điện, bờ tường, cành cây…  bị treo, dán những tờ quảng cáo “mời” vay tiền với những thủ tục đơn giản, nhanh chóng đến bất ngờ. Người vay chỉ cần chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe, sổ hộ khẩu… Có hình thức người vay không cần tài sản thế chấp, chỉ cần có hóa đơn tiền điện 300.000 đồng/tháng, bảo hiểm nhân thọ 2 triệu đồng/năm… Gần đây, để lách luật, nhiều cơ sở không đăng ký cửa hàng cầm đồ mà chuyển sang dịch vụ tư vấn tài chính. Theo số điện thoại trên tờ quảng cáo dán trên bốt điện ở đường Trương Hán Siêu (TP Hòa Bình), phóng viên gọi điện hỏi vay tiền và được chào mời với những mỹ từ mà khó có nhân viên ngân hàng nào làm được.

 

Đồng chí Bùi Thế Thành, Trưởng Công an huyện Cao Phong cho biết: Địa bàn huyện có 16 cơ sở cầm đồ, trong đó, 6 cơ sở đăng ký năm 2016. Qua nắm tình hình, đối tượng vay chủ yếu sử dụng vào mục đích không chính đáng. Đó là những người ham cờ bạc, lô đề, cá độ, thanh niên mới lớn vay để ăn chơi… Có trường trường vay thế chấp bằng vườn cam, đến hạn không trả được phải bán cam non. Nguy hiểm là mức lãi suất không được thể hiện trên giấy vay nhưng thực tế lên đến vài chục phần trăm. Đến kỳ chốt sổ, cộng lãi vào nợ gốc và viết giấy nợ mới, lãi mẹ đẻ lãi con. Nếu không trả đúng hẹn sẽ có các đối tượng xăm trổ đến đòi nợ, uy hiếp tinh thần. Năm 2016, Công an huyện điều tra, xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 1 cơ sở cầm đồ; đình chỉ 1 cơ sở do có hành vi dọa, ép người vay viết khống 2 giấy nợ mới, tổng 12 triệu đồng. Địa bàn huyện cũng vừa xảy ra vụ đánh nhau giữa 2 nhóm cầm đồ, ảnh hưởng đến ANTT.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, có người đi vay tín dụng đen chưa lường hết những rủi ro khôn lường, có người biết nhưng vẫn đưa chân. Nếu là khoản vay lớn hoặc khi lãi đội lên một cách không tưởng, đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng nhiều cách để trói buộc người vay. Đơn cử như làm hợp đồng vay hoặc buộc làm hợp đồng thế chấp, mua bán nhà đất có công chứng… Khi đã vào “tròng”, người vay hầu như không có lối thoát.

 

Theo đồng chí Đinh Mai Anh, Phó trưởng Công an TP Hòa Bình, các vấn đề liên quan đến tín dụng đen có thể gây ra những hệ lụy nặng nề, đẩy không ít gia đình vào tình thế khuynh gia bại sản, sống cùng quẫn trong nợ nần chồng chất. Nếu vỡ nợ có thể gây bất ổn xã hội, kéo theo hàng loạt các tội phạm như giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê… Tình trạng bức bách đòi lại tài sản của chủ nợ tiềm ẩn phát sinh tội phạm hình sự. Từ đầu năm đến nay, thành phố xảy 2 vụ ném chất bẩn liên quan đến việc vay nợ mang tính chất phức tạp, gây hoang mang cho một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến ANTT. Đó là chưa kể những vụ mà người trong cuộc không báo.

 

Công an thành phố đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã tuyên truyền pháp luật nâng cao nhận thức của nhân dân trong chấp hành chính sách tài chính, quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn. Vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm tại cơ sở. Thành phố hiện có 195 cơ sở cầm đồ, tư vấn tài chính được cấp phép. Lực lượng công an siết chặt quản lý, kiến nghị thu hồi giấy phép những cơ sở vi phạm nhiều lần. Chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện và đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm hoạt động tín dụng đen, các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội. Từ đầu năm đến nay đã triệt xóa 12 điểm phức phạp về hình sự, ma túy… Công an huyện Cao Phong cũng tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh của các cơ sở cầm đồ. Phối hợp với đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn rà soát từng cơ sở xem có giấy chứng nhận quân nhân “gửi” ở đây.

Những tờ quảng cáo vay tiền một cách dễ dàng được dán ở bốt điện trên đường Trương Hán Siêu (TP Hoà Bình).

 

Bộ luật Hình sự quy định tội cho vay nặng lãi: cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất bóc lột. Đi kèm là những mức phạt cụ thể. Song, thực tế việc xử lý tội danh này hạn chế. Lý giải của lực lượng Công an là khi cho vay, các chủ cơ sở thường sử dụng mánh khóe để lách luật, không ghi lãi suất vào hợp đồng vay. Giao dịch cũng chỉ diễn ra ngầm giữa các cá nhân. Nếu có tranh chấp, các cơ quan tiến hành tố tụng, công an không có cơ sở kết luận đâu là giả dối. Việc chứng minh có tính chất chuyên bóc lột khó khăn vì chưa có hướng dẫn. Vì vậy, người dân nên cảnh giác với những chiêu trò cho vay từ các loại hình dịch vụ, không nên tin vào những lợi ích lớn mà đối tượng đưa ra. Các gia đình cần quản lý, giáo dục con chặt chẽ hơn để không rơi vào tình trạng nợ, tránh nguy cơ bị các chủ nợ thuê người đến nhà đe dọa, ảnh hưởng đến ANTT. Nếu xảy ra vụ việc liên quan đến tín dụng đen, báo ngay cho công an, không tự ý giải quyết để tránh xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền cũng cần từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn, xử lý hệ quả nguy hiểm của tín dụng đen.

                                                                                       

                                                                                P.V

 

 

Khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng hãy đến trụ sở để được tư vấn

 

Thủ tục vay vốn ngân hàng được công khai tại trụ sở các ngân hàng thương mại, phòng giao dịch. Khi người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng để SX-KD, tiêu dùng hãy đến trụ sở để được tư vấn. Trường hợp bị lừa hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo hãy cung cấp thông tin cho công an và thông báo cho ngân hàng để được hỗ trợ. Không nên hám lợi mà “sập bẫy” những kẻ đội lốt ngân hàng, dễ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Ngân hàng CSXH tỉnh hiện triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, HS-SV… Đến ngày 31/3, trên 33.000 hộ nghèo, đối tượng chính sách mới được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ 2.507 tỉ đồng. Từ năm 2015 đến nay, lãi suất cho vay thỏa thuận của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đối với khách hàng trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Mức lãi suất phổ biến từ 8-12%/năm đối với sản xuất và 9,5- 12,5%/ năm đối với lĩnh vực phi sản xuất. Hiện tại, lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên 7%/năm; quỹ tín dụng và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam 8%/năm. Từ ngày 15/3, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, cho vay tiêu dùng có hiệu lực đã giảm bớt các thủ tục vay vốn.

 

                                                          Vũ Thị Song Nguyệt

                       Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh

 

Các cơ quan cần vào cuộc ngăn chặn tín dụng đen

Đối tượng hoạt động tín dụng đen ngoài đánh vào lòng tham của người dân, còn dùng thủ đoạn “chim mồi”. Tức hoạt động như mạng lưới đa cấp, có tiền môi giới khi vận động, dụ dỗ được người vay, người cho vay. Nhiều người dân trong tỉnh đã tìm đến luật sư để được tư vấn khi cho vay tiền với lãi suất cao hơn ngân hàng nhưng người vay không trả hoặc đột ngột mất tích. Tuy nhiên, pháp luật không bảo vệ được bởi giao dịch chỉ có giấy viết tay giữa hai người với nhau, không có người làm chứng. Có trường hợp người vay bị đe dọa, uy hiếp tinh thần cũng tìm đến nhờ tư vấn. Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu nắm rõ quy định của pháp luật, không tham gia vào tín dụng đen. Nếu phát hiện có dấu hiệu đó, báo cho cơ quan chức năng.

Theo tôi, cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý hoạt động này. Mấy năm gần đây, dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, huy động vốn… nở rộ. Cần nắm, kiểm tra cả những dịch vụ mua bán hàng hóa 0 đồng. Đây là thủ đoạn lừa người dân lao vào “bẫy” tín dụng. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, dán thông báo khắp nơi. Tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân. Hoạt động tín dụng đen như sóng ngầm làm chao đảo không ít gia đình. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, ngăn chặn những ổ nhóm, đối tượng ngay từ phường, xã, thị trấn trở lên, không bảo kê cho hoạt động này.

 

                                                Luật sư Đan Tiếp Phúc

             Trưởng văn phòng Luật sư Đan Tiếp Phúc, UVTV Hội Luật gia tỉnh

 

Hãy tránh xa cờ bạc, tín dụng đen

Tôi phiền lòng, lo lắng khi con trai vướng vào chuyện vay nợ phức tạp. Không phải là công chức Nhà nước nhưng nó cũng có nghề kiếm sống. Vậy mà thỉnh thoảng, vài người xăm trổ lại đến nhà đòi nợ. Lúc thì chúng ngồi lỳ trong nhà, lúc thì dọa nạt, khiến cả nhà ăn, ngủ không yên. Chúng tính lãi một cách không tưởng khiến tôi làm nông dân mà phải bán trâu để trả nợ cho con. Lô đất gần 300 m2 tôi chia cho nó ra ở riêng cũng phải bán đi để trả nợ. Có hôm về nhà thấy mặt mày thâm tím, tôi nghi con bị đánh nhưng nó gạt đi bảo bị ngã. Có lúc nó lại trốn đi đâu cả tháng không về, điện thoại không liên lạc được, vợ cũng bỏ đi, chỉ khổ bọn trẻ ở nhà.

 

Những ai đã từng có người nhà vướng vào tín dụng đen đều cảm thấy bất an. Bản thân người vay phải chịu đã đành còn làm khổ những người khác trong gia đình. Vì vậy, hãy tránh xa tín đen để không rơi vào vòng xoáy nợ nần, khánh kiệt. Tránh xa cờ bạc, lô đề, cá độ… để không phải tìm đến tín dụng đen.

 

                                                                              Nguyễn Văn B.

                                                              Tổ 17, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình

 

Các tin khác


Dự kiến ngày 22/4 thông đường sắt Bắc - Nam sau sự cố sạt lở hầm Bãi Gió

Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo huy động lực lượng, phương án khắc phục ngày đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối, với mục tiêu ngày 22/4 hoàn thành xử lý sự cố sạt lở hầm Bãi Gió để thông tàu Bắc - Nam.

Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục