Dù phải đối mặt với nguy hiểm, 2 cụ ông 80 tuổi tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn kiên trì tìm ra chân tướng của gần 3000 hồ sơ thương binh giả.

 

Ở tuổi "xưa nay hiếm", 2 cụ ông Nguyễn Tiến Lãng (79 tuổi, xã Gia Đông) và Nguyễn Công Uẩn (80 tuổi, xã Ngũ Thái) đều ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hàng ngày vẫn đạp xe khắp nơi để điều tra, phá đường dây làm giả hồ sơ thương binh.

Khi được hỏi về hành trình đấu tranh chống lại những đối tượng làm giả hồ sơ thương binh, ông Lãng và ông Uẩn vẫn nhớ như in từng chi tiết.

Phát hiện gần 3000 hồ sơ giả

Câu chuyện chống tham nhũng của 2 lão nông bắt đầu từ những năm 2006-2007 bởi những bức xúc trong sai phạm của chính quyền địa phương về đất đai. Lúc này hai ông nổi tiếng khắp nơi bởi đã "hạ bệ" nhiều quan chức địa phương. Cũng từ đó, các ông bàn với nhau “đánh mẻ lớn” nhằm vạch mặt  những kẻ chạy tiền để làm hồ sơ thương binh giả.

Ông Lãng đưa ra những bức ảnh vườn cây nhà ông bị phá hoại khi ông đi tố cáo. 

Ông Lãng kể, vào năm 2010, tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh rộ lên phong trào làm giả hồ sơ thương binh để nhận trợ cấp. Nhiều gia đình có người đi bộ đội nhưng không bị thương tật cũng đổ xô đi làm giả. Vô lý hơn khi có những “đại gia” chưa từng đi bộ đội, cũng nghiễm nhiên trở thành thương binh sau 1 đêm.

“Có những người bị tai nạn xe máy cụt một ngón tay, hay tuốt lúa bị vật nhọn đâm vào trán cũng đi giám định để hưởng chế độ thương binh. Trong khi tôi đi bộ đội mấy chục năm, từng bị thương nặng, đặc biệt bao nhiêu chiến sĩ hy sinh trên chiến trường, những người đồng đội của tôi đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa được Nhà nước công nhận. Đó là điều bất công khiến chúng tôi không thể im lặng...”, ông Lãng chua xót.

Ngày ấy, khi cả làng rỉ tai nhau đi làm thương binh, cũng đã có người “xui” ông bỏ ra vài chục triệu để làm giả, ăn lương hàng tháng, nhưng ông Lãng không những không làm mà còn lần ra đường dây chuyên “cò” hồ sơ thương binh.

“Chỉ cần bỏ ra 30 triệu là có ngay hồ sơ chất độc da cam, kể cả huân huy chương, kỷ niệm chương, cứ có tiền là được hết. Thậm chí còn có cả liệt sĩ giả, mất sức giả. Còn với những người không có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến chiến tranh thì mất 50 triệu”, ông Lãng bức xúc kể.

Ông Uẩn và ông Lãng thông qua bạn bè thân tín tại các xã, đã thu thập danh sách những người làm hồ sơ giả. Sau khi nhận được thông tin, các ông lại tự mình đến tận nơi thẩm tra lại lần nữa, khi đã chắc chắn mới lập danh sách giao cho thanh tra của Bộ xác minh.

Qua nhiều ngày đạp xe, ăn cơm nắm muối vừng nằm vùng hết xã này đến xã kia, ông Uẩn và ông Lãng đã phát hiện ra những mánh khóe “ăn bẩn” của những tên “cò” thương binh.

Theo lời kể của ông Uẩn, những người muốn làm hồ sơ giả để được công nhận thương binh chỉ cần đến tìm “cò”, khai tên vào một hồ sơ giả đã được làm sẵn, nhận giấy biên nhận rồi mang đến bệnh viện nơi khám xác nhận tình trạng bệnh binh. Các “ổ cò” đi rao bán hồ sơ thương binh giả công khai khắp nơi, nên không khó để 2 ông có thể phát hiện và thâm nhập điều tra.

“Lại còn có người quen về kể với tôi là em cũng làm thương binh rồi bác ạ, ai cũng làm, chả tội gì mà không làm”, ông Uẩn kể. Từ những manh mối như thế, 2 cụ ông dần lần mò và “khui” ra gần 3000 vụ làm giả hồ sơ thương binh.

Ông Lãng cũng cho biết sau khi phát hiện và nắm được chứng cứ, các ông đã từng gửi đơn tố cáo lên huyện, tỉnh về vấn đề làm giả hồ sơ thương binh, nhưng các cơ quan địa phương phản hồi lại là tất cả đều đúng quy trình, không có sai phạm. Không chấp nhận kết quả này, 2 ông tiếp tục gửi thẳng đơn thư lên Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH).

Ngay sau khi nhận được đơn thư, ông Tạ Văn Thiều, Phó Cục trưởng đã lập tức gọi điện nói chuyện trực tiếp với ông Lãng và cử đoàn thanh tra về địa phương điều tra vụ việc.

Ông Uẩn và ông Lãng cam đoan những gì mình tố cáo là đúng sự thật, nếu sai sẽ sẵn sàng đi tù, chịu hình phạt của pháp luật. Đến khi đoàn thanh tra của Bộ về làm việc thí điểm tại một xã theo những gì 2 ông tố cáo thì có đến 10/11 người trong số những người bị ông Lãng và ông Uẩn phát hiện là thương binh giả.

Qua quá trình điều tra, 2 ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn đã phối hợp với đoàn thanh tra của Bộ phát hiện, phanh phui ra 2.745 người làm giả hồ sơ thương binh, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm 20 tỉ đồng.  Đến năm 2015, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 5 bị can về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Số phận của người đấu tranh vì công lý

Khi kể về những tháng ngày đấu tranh, chống lại những kẻ “ăn không” ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những xa lánh của mọi người xung quanh.

“Có những người thấy tôi đi đưa đơn thì bảo tôi toàn tố cáo láo, rồi con kiến đòi kiện củ khoai, vô công dồi nghề, lại đi khiếu kiện đấy, rồi vu cho chúng tôi làm mất an ninh trật tự, nói xấu cán bộ. Lại có người nói thẳng vào mặt tôi “ơ đấy thằng chột lại đi đấy”, ông Uẩn rơm rớm nước mắt kể.

Không chỉ đối mặt với những lời ra tiếng vào mà 2 ông còn phải đối mặt cả với những nguy hiểm rình rập. Không ít lần ông bị những đối tượng lạ mặt đi xe máy đâm nhưng may mắn đều không bị thương, lại có lần bị đánh gẫy răng, chảy máu đầu.

Không chỉ nguy hiểm, ngay cả khi về nhà, ông Uẩn cũng không nhận được sự đồng tình của gia đình. “Có lần họp gia đình, các con tôi bảo, một là bố bỏ chúng con, hai là bỏ kiện”, ông Uẩn nói.

Ông Nguyễn Công Uẩn hàng ngày vẫn cần mẫn nuôi chim bồ câu bán lấy tiền đi kiện. 

Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông Uẩn kể trong nước mắt: “Tôi lo lắm, nên mới tìm mọi cách bắt ông ấy bỏ không làm nữa. Có những ngày ông ấy về muộn, tôi sợ quá, chạy đi tìm khắp các ao hồ xem có thấy xác chồng không”.

Với ông Lãng, hành trình đi tìm công lý cũng không ít khó khăn. Có bao nhiêu tiền lương hưu ông đều dồn cả vào việc kiện tụng, rồi có những ngày nhà ông không dám mở cửa vì bị ném đất đá túi bụi, cả vườn bưởi diễn hơn 100 gốc bị phá tan chỉ sau một đêm. Thấy thế con cái ông Lãng đều ra sức can ngăn, nhưng lực bất tòng tâm. Cuối cùng ông bị cho ra một mình một mâm. “Tôi ăn riêng đã 8 năm nay rồi, có những ngày buồn quá thì gọi ông Uẩn sang ăn cùng cho vui. Có những ngày đi thu thập hồ sơ, tôi với ông Uẩn lại lọ mọ về nấu cơm ăn chung, có khi ốm đau cũng chia nhau từng viên thuốc”, ông Lãng kể.

Dù lắm gian truân, nhưng ông Lãng và ông Uẩn vẫn luôn giữ vững niềm tin vào công lý. Các ông tin rằng với tham nhũng không có “vùng cấm”.

Đến nay việc khen thưởng thành tích của ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn vẫn đang được Bộ LĐ-TB-XH xem xét./.

 

                                                       TheoVOV.VN

Các tin khác


Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Phương án phân luồng sau lệnh cấm ô tô lên Đèo Cả

Trước sự cố hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt Bắc - Nam, Khu Quản lý đường bộ III đã thông báo chi tiết phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông.

Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 và 1/5

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5/2024.

Ngày hội “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm”

Sáng 13/4, tại thành phố Hoà Bình, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Ngày hội "Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm”. Tham dự có đồng chí Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Đoàn, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hoà Bình...

Đại hội Hội Luật gia huyện Lạc Thủy lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Hội Luật gia huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục