(HBĐT) - Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền nhân dân các cấp ở Hòa Bình vừa được thành lập đã phải đối phó quyết liệt với 3 thứ giặc: "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trước tình thế "Ngàn cân treo sợi tóc”, quán triệt sâu sắc chỉ thị "Kháng chiến, kiến quốc” của T.ư Đảng, Chỉ thị của Liên khu uỷ 3 và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hoà Bình, phong trào toàn dân xây dựng LLVT ngày càng sôi nổi, rộng khắp. Sau Cách mạng tháng 8/1945 nhân dân chủ yếu tham gia vào các đội tự vệ cứu quốc, đoàn thể cứu quốc… Vì vậy, năm 1946 quân và dân các dân tộc Hoà Bình đã đập tan âm mưu và hành động của bọn phản động, lập chiến công xuất sắc bảo vệ an toàn chính quyền non trẻ.


Nhân dân Lương Sơn tiễn bộ đội lên đường chiến đấu.ảnh: TL

Thực dân Pháp bộc lộ rõ âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tháng 2/1947, Bộ Quốc phòng ra thông tư quy định: Vào dân quân là nghĩa vụ của mọi công dân từ 18 - 45 tuổi. ở thôn và xã có 2 lực lượng là dân quân và du kích, đây là những lực lượng chiến đấu do nhân dân trang bị và đảm bảo bằng cách dựa vào sự đóng góp của nhân dân. Tháng 3/1947, Chính phủ quyết định xây dựng các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp. Tháng 4/1947, T.ư Đảng ra quyết định về xây dựng lực lượng dân quân du kích, tự vệ.

Thực hiện chủ trương của T.ư, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 16/8/1947, đồng chí Lê Đông, Bí thư Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn để kiểm điểm tình hình hoạt động của các ngành, các địa phương, về phát triển đảng viên mới và phong trào dân quân du kích trên các xã, tuyến đường huyết mạch; Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh đội dân quân Hòa Bình.

Sau Hội nghị Tỉnh ủy, cơ cấu tổ chức Tỉnh đội dân quân bước đầu được hình thành. Đồng chí Vũ Hoàng Diệp giữ chức Tỉnh đội trưởng, đồng chí Lê Thi giữ chức Chính trị viên (1). Tỉnh đội dân quân Hòa Bình đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Tỉnh ủy, chịu sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Chiến khu 2. Tỉnh đội dân quân có nhiệm vụ chỉ huy LLVT địa phương thực hiện nhiệm vụ quân sự, chiến đấu và tham gia vào các nhiệm vụ kháng chiến của địa phương...

Sau khi thành lập Tỉnh đội dân quân, từ tháng 9 - 12/1947, Ban chỉ huy huyện và xã đội dân quân được xây dựng; lực lượng dân quân du kích cũng hình thành và phát triển nhanh, rộng khắp. Đến cuối năm 1947, toàn tỉnh xây dựng được 10 trung đội du kích tập trung của tỉnh và huyện với 2.764 đội viên. Nhiều xã tổ chức ra các đơn vị du kích tập trung với số lượng lên tới trên 1.000 người. Ban CHQS các cấp làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác quân sự, tổ chức quản lý huấn luyện và chỉ đạo LLVT địa phương thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chính quyền cơ sở.

Ngày 15/4/1947, thực dân Pháp mở đợt tấn công đánh chiếm Hoà Bình lần thứ nhất. Sau 45 ngày (từ ngày 15/4 - 30/5/1947), chúng đã chốt giữ được Phương Lâm (thị xã Hoà Bình), Chợ Bờ (Châu Mai Đà, nay thuộc huyện Đà Bắc), Suối Rút, Vạn Mai, Bản Nghẹ, Đồng Uống, Chiềng Sại, Bao La, Mó Hém (Châu Mai Đà, nay thuộc huyện Mai Châu), hình thành hành lang phía tây, đồng thời gấp rút xây dựng hành lang Đông - Tây, bắt lính, thực hiện thủ đoạn chính trị lập "Xứ Mường tự trị” để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc chống Pháp. Đến cuối năm 1948, thực dân Pháp đã chiếm đóng 2/3 diện tích tỉnh Hòa Bình.

Trước tình hình đó, phong trào chống Pháp trong tỉnh được đẩy mạnh, phát triển chiến tranh du kích, diệt tề… Nhiều đội du kích lập công xuất sắc như: đội du kích Yên Lương, Phú Lẫm (nay là xã Phú Lương - huyện Lạc Sơn) đã lập công xuất sắc ngày 30/10/1948, tiêu diệt và làm mất sức chiến đấu nhiều tên địch bằng rượu cần lá ngón; dân quân du kích Cộng Hoà - Lạc Sơn có 60 đội viên, đã tổ chức tiêu diệt lính âu Phi, thu được súng tiểu liên.

Thu - Đông năm 1949, Liên khu III quyết định mở chiến dịch Lê Lợi ở Hoà Bình nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch, giải phóng đất đai, phá âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của Pháp, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích và trưởng thành của bộ đội địa phương. Chiến dịch Lê Lợi mở màn ngày 25/11/1949, du kích các địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện vây đồn, diệt viện, tiến công hàng loạt vị trí của địch tại mặt trận đường 6, như: Đồng Bến, Gò Bùi và thị xã Hoà Bình; tại mặt trận đường 12A, ta đánh các đồn Vụ Bản, Chiềng Vang, đồn Riệc; mặt trận sông Đà gồm các vị trí Mó Hém, Suối Rút, Chợ Bờ mà địch chốt giữ. Kết quả ta tiêu diệt 10 đồn, bức rút 13 đồn, diệt 876 tên địch, phá 37 xe vận tải, 4 xe gíp, giải phóng một khu vực rộng 2.000 km, phá vỡ một đoạn dài 50 km hành lang Đông - Tây của địch. Toàn bộ vùng Mai Châu, Đà Bắc, đường 15 và một phần huyện Lạc Sơn (nay thuộc huyện Tân Lạc) được giải phóng. Dọc theo đường 12A, ta cô lập Vụ Bản, Chiềng Vang, Cao Phong, tạo thế uy hiếp quân địch ở thị xã Hòa Bình. Quân địch bị thất bại nặng nề và lần lượt rút khỏi các vị trí ở Hoà Bình. Ngày 8/11/1950, Hoà Bình được giải phóng lần thứ nhất. Tháng 11/1950, Bác Hồ gửi thư khen chiến sĩ và cán bộ Hòa Bình: "Các chú đã đánh bật địch ra khỏi Hòa Bình. Bác vui lòng thay mặt chính phủ khen ngợi các chú”…

(Còn nữa)

(1) Ngày 16/8/1947 là ngày Thành lập Tỉnh đội Hoà Bình - Ngày truyền thống của LLVT tỉnh Hoà Bình (Quyết định số: 2153/QĐ-BTL ngày 24/5/ 2007 của Bộ Tư lệnh Quân khu 3).


Các tin khác


Thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Bà Nguyễn Thị Hải (Lương Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao được quy định như thế nào?

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Ông Nguyễn Hòa (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết pháp luật quy định những dữ liệu cá nhân nào được coi là nhạy cảm?

Giải đáp pháp luật: Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ông Phạm Hùng (TP Hòa Bình) hỏi: Đề nghị cho biết việc nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định như thế nào?

Chính sách đối với phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Ông Nguyễn Hiền (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết chính sách của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao như thế nào? Trả lời:

Các trường hợp giám định lại thương tật cho thương binh

Ông Nguyễn Hải (Mai Châu) hỏi: Đề nghị cho biết thương binh được khám giám định lại thương tật trong trường hợp nào?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục