(HBĐT) - Không từ bỏ âm mưu đánh chiến Hoà Bình, thực dân Pháp lại tập trung lực lượng đánh chiến Hoà Bình lần thứ hai bằng 2 cuộc hành quân "Tuy - Líp” và "Lô - Tuýt” nhằm nối lại hành lang Đông - Tây, lập lại "Tam giác sắt”: Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình. Từ ngày 9 - 14/11/1951, địch đánh chiếm được các mục tiêu, xây dựng 20 cụm cứ điểm dọc đường 21 từ Xuân Mai đến Chợ Bến và từ Ba Thá vào Miếu Môn, hình thành 2 tuyến phòng thủ đường 21, đường 6 và nối lại hành lang Đông - Tây.


Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và đặc điểm cụ thể của tỉnh Hòa Bình, ngày 15/2/1951, thực hiện Quyết định số 1128/TCH của Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tỉnh đội Hoà Bình giải thể, chuyển sàng thành lập Trung đoàn 12, vừa đảm nhiệm chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, ủy ban Hành chính tỉnh về công tác quân sự, vừa trực tiếp chỉ huy LLVT tỉnh tác chiến, chiến đấu. Ban Chỉ huy Tỉnh đội được điều chỉnh trở thành cơ quan Trung đoàn do đồng chí Võ An Khang giữ chức Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Khanh - Chính trị viên, đồng chí Đinh Công Niết - Trung đoàn phó, đồng chí Lê Văn Long - Tham mưu trưởng. Trung đoàn 12 gồm có Tiểu đoàn 616 tập trung 5 đại đội địa phương của các huyện: C121 (Lương Sơn), C112 (Lạc Sơn), C116 (Mai Đà), C16 (Kỳ Sơn); Đại đội 39 trợ chiến và Đại đội 100 cảnh vệ, là những đơn vị cơ động chiến đấu. Các xã đội, bộ đội địa phương, dân quân du kích trên địa bàn chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Tỉnh uỷ, cấp uỷ của các địa phương và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy Trung đoàn 12.

Ngày 24/11/1951, BCH T.ư Đảng ra chỉ thị: "Nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch”. Trước khi bước vào chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho CB, CS chủ lực và dân quân du kích: ..."Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta”... Chiến dịch Hòa Bình được thực hiện đánh địch trên cả 2 mặt trận chính diện và sau lưng địch (1) . Tổng Quân ủy và Bộ tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Chiến dịch Hoà Bình được thực hiện bằng 2 đợt tiến công của quân và dân ta.

Đợt 1: Ngày 10/12/1951, tại mặt trận chính, LLVT và nhân dân Hòa Bình đã phối hợp với 3 Đại đoàn quân chủ lực 308, 304 và 312 tiến công 2 cụm quân chủ yếu của địch đóng ở Phân khu TX Hòa Bình và Phân khu sông Đà. Đại đội 16 (Kỳ Sơn), Đại đội 116 (Mai Đà) và du kích các xã Yên Mông, Hòa Bình tiến công Phân khu sông Đà, bí mật bố trí trận địa phục kích liên hoàn trên sông Đà từ xóm Mỵ (Yên Mông) đến Lạc Song (Phú Thọ), dài 6km, tiêu diệt 6 ca nô và 1 tàu chiến (LCT) cùng hàng trăm tên địch, góp phần cùng với các Đại đoàn 308, 312 và Đại đội pháo binh 786 cơ bản đập nát phòng tuyến trên sông Đà của địch.

Tiểu đoàn 616 của tỉnh phối hợp du kích xóm Chăm (xã Quỳnh Lâm) tiến công Phân khu thị xã, trận phục kích dốc Cun, phá hủy 1 xe, tiêu diệt hàng chục tên địch, bẻ gãy cuộc tấn công của địch vào đường 12A; du kích xã Mông Hóa phối hợp với Trung đoàn chủ lực 36 (Sư đoàn 308), phục kích địch tại cầu Mè, phá hủy 34 xe địch, tiêu diệt nhiều địch; Tiểu đoàn 616 địa phương, Đại đội 16 (Kỳ Sơn) và du kích xóm Dụ (Mông Hóa) phối hợp với Tiểu đoàn 375 (Trung đoàn 66 - Đại đoàn 308) chặn địch ở dốc Kẽm, diệt 2 trung đội địch, phá hỏng 11 xe vận tải, giải thoát trên 100 đồng bào bị bắt đi phu; ngày 13/12/1951, bộ đội tỉnh phối hợp với Tiểu đoàn 353 (Trung đoàn 9 - Đại đoàn 304) đánh trận Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Kỳ Sơn) tiêu diệt và bắt sống hơn 1 đại đội âu - Phi, phá hủy 5 xe cơ giới, 1 xe tăng. Trong trận này nổi lên tấm gương dũng cảm chiến đấu của anh hùng Cù Chính Lan.

Ngày 10/12/1951, Hồ Chủ tịch gửi thư khen các chiến sĩ trong chiến dịch Hòa Bình: "Bác rất vui lòng nhận được báo cáo thắng trận của các chú... Bác thân ái gửi lời khen các chú... Bác sẽ có giải thưởng cho chú nào và đơn vị nào lập công nhiều nhất”.

Đợt 2: Từ ngày 27- 31/12/1951, thực hiện phương châm tác chiến của chiến dịch là: đánh điểm diệt viện, thực hiện liên tục chiến đấu, kiên quyết tích cực kiềm chế và diệt pháo địch. Các đơn vị bộ đội địa phương phối hợp với du kích và các đơn vị chủ lực Đại đoàn 304 tổ chức một số trận đánh cứ điểm trên đường 6 góp phần giữ vững được tuyến hành lang vận chuyển qua sông Đà, uy hiếp các trận địa của địch trên tuyến QL6.

Đợt 3: Từ ngày 7/1- 25/2/1952, ta tập trung lực lượng vây đánh địch ở TX Hòa Bình và trên đường số 6A. Đêm 7/1/1952, du kích Quỳnh Lâm dẫn đường cho Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) tiến công đồn Pheo, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) tập kích TX Hòa Bình, diệt các vị trí ngoại vi, ta hạ 6 đồn, tiêu diệt cụm pháo gồm 4 khẩu 105 ly, bắt sống 20 tên địch, trong đó có tên quan 3 chỉ huy.

Trước những đòn tiến công mạnh mẽ của ta trên các hướng của chiến dịch, đường vận chuyển trên sông Đà và đường 6 bị ngừng trệ, quân địch ở Hòa Bình bị cô lập. Ngày 8/1/1952, địch phải rút toàn bộ lực lượng chốt ven sông Đà về tăng cường phòng thủ cho khu vực thị xã. Những ngày tiếp theo, các đơn vị bộ đội địa phương phối hợp và độc lập tác chiến diệt và bắt sống 100 tên đi càn trú đóng tại điểm cao 585; bẻ gãy cuộc càn quét lên Chợ Bờ; cắt hàng nghìn mét dây điện thoại địch ở đường 21; vận động hơn 50 binh lính địch mang vũ khí ra đầu hàng. Thế trận chiến tranh nhân dân lên cao, đẩy thực dân Pháp vào thế bị động, lúng túng ở mặt trận Hòa Bình, ngày 23/2/1952, địch buộc phải rút chạy, TX Hòa Bình được giải phóng.

Sau hơn 3 tháng anh dũng chiến đấu khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến dịch Hòa Bình kết thúc thắng lợi. Quân và dân trong tỉnh phối hợp, hiệp đồng với bộ đội chủ lực tiêu hao, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch: 6.012 tên bị tiêu diệt, phá hủy 156 xe các loại, 17 tàu chiến, ca nô, 12 khẩu đại bác; ta thu trên 800 khẩu súng, có 24 khẩu pháo cỡ lớn, 88 máy vô tuyến điện, 10 tấn đạn và 23.000 lít xăng dầu. Hoà Bình được giải phóng đã giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của Pháp.

Chiến công trong chiến dịch Hoà Bình là thành tích nổi bật nhất của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân được sống trong tự do, càng thêm tin tưởng vào tương lai, cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

(Còn nữa)

(1) Mặt trận chính: Thị xã Hòa Bình, sông Đà, đường số 6, đường 21. Mặt trận sau lưng địch chủ yếu tạo điều kiện cho chiến tranh nhân dân ở các địa phương phát triển, đồng thời củng cố cơ sở chính trị trên các địa bàn lân cận.

 

Các tin khác


Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Bà Lê Thị Thu (Cao Phong) hỏi: Đề nghị cho biết quy định pháp luật về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình?

Thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Bà Nguyễn Thị Hải (Lương Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao được quy định như thế nào?

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Ông Nguyễn Hòa (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết pháp luật quy định những dữ liệu cá nhân nào được coi là nhạy cảm?

Giải đáp pháp luật: Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ông Phạm Hùng (TP Hòa Bình) hỏi: Đề nghị cho biết việc nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định như thế nào?

Chính sách đối với phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Ông Nguyễn Hiền (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết chính sách của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao như thế nào? Trả lời:

Các trường hợp giám định lại thương tật cho thương binh

Ông Nguyễn Hải (Mai Châu) hỏi: Đề nghị cho biết thương binh được khám giám định lại thương tật trong trường hợp nào?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục