(HBĐT) - Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Nhân dân. Cùng với cả nước, tỉnh ta cũng đã quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch (PCD). Và họ - đội ngũ y, bác sỹ, những người lính áo xanh, các chiến sỹ công an, những người dân, những bạn trẻ bình dị... nơi tuyến đầu chống dịch, bằng mệnh lệnh từ trái tim, bằng sự đoàn kết, quyết tâm đã góp phần cùng với cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.


Lực lượng cán bộ y tế Hòa Bình trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh.

Những chiến sỹ áo trắng tình nguyện vào tâm dịch

Là 1 trong 6 cán bộ thuộc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tham gia đoàn tình nguyện chi viện cho TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Đàm Thu Hà, Khoa Thần kinh – ung bướu vẫn nhớ như in chuyến công tác đặc biệt nhất mình từng trải qua – chuyến công tác không hẹn trước ngày về. Chị Hà nhớ lại: Tháng 7/2021, chúng tôi liên tục nghe ngóng tin tức từ TP  Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Biết được rằng, tình hình trong ấy rất căng thẳng, lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch đang vô cùng áp lực. Vì vậy, theo lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Thanh Long, lời kêu gọi của ngành Y tế tỉnh, chúng tôi – 6 cán bộ đang công tác tại BVĐK tỉnh đã lập tức viết đơn tình nguyện tham gia đoàn công tác vào Nam chống dịch.

Ngay khi vào đến TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác được phân về hỗ trợ trạm y tế ở Quận 5. Nhiệm vụ ban đầu của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều cán bộ trong đoàn công tác đã trực tiếp tham gia điều trị F0 tại Trung tâm Y tế quận, một số khác tham gia điều trị, tư vấn điều trị F0 và cấp cứu vận chuyển F0 từ nhà đến bệnh viện hoặc tram y tế phường.

"Nhiệm vụ có thay đổi, phải tham gia công tác điều trị, những ngày đầu với chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ. Đặc biệt, phải mặc quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Ban ngày nắng nóng, ban đêm hầu như không thể ngủ được, nhiều người đến kiệt sức, ngất xỉu. Nhưng với tinh thần quyết tâm "chống dịch như chống giặc”, chúng tôi càng quyết tâm hơn nữa để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và bình yên cuộc sống cho Nhân dân” - điều dưỡng Đàm Thu Hà nhớ lại.

Còn với y tá Bùi Thị Hường, trạm y tế xã Bình Hẻm (Lạc Sơn), chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh có lẽ là chuyến công tác cảm xúc nhất trong cuộc đời. Vốn là một bà mẹ 2 con, nữ tính, nhưng ngay khi nhận nhiệm vụ lên đường vào Nam, chị đã quyết định cắt đi mái tóc dài uốn xoăn của mình. "Khi đã viết đơn tình nguyện lên đường, tôi muốn mình trong tâm thế sẵn sàng nhất. Vì vậy, tôi quyết định cắt tóc ngắn để thuận tiện nhất cho công việc" - chị Hường chia sẻ. Vào TP Hồ Chí Minh, ban đầu, chị Hường nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại Quận 5. Tuy nhiên, do số lượng F0 tăng cao, chị đã được điều động tham gia điều trị cho các F0 tại Trung tâm Y tế quận. "Cũng có thời điểm, tôi nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho các F0 tại nhà, trong đó có cả những F0 đã tử vong. Ai cũng hỏi tôi có sợ không, tôi chỉ cảm thấy thương họ vì họ ra đi mà không có người thân bên cạnh. Do tiếp xúc nhiều, tôi cũng từng là F0, sau khi điều trị 10 ngày ra viện, tôi đã trở lại làm việc luôn. Nguyện vọng chỉ là làm thế nào hỗ trợ được nhiều nhất, nhanh nhất không chỉ cho người bệnh mà còn cho thân nhân của họ. Vì trong sự hoang mang, họ chỉ biết trông cậy vào lực lượng y tế. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi làm việc" - chị Hường tâm sự.

Không chỉ tham gia chống dịch tại miền Nam, ngay khi Hà Nội bùng dịch, 500 cán bộ y, bác sỹ tỉnh ta cũng đã lên đường hỗ trợ TP Hà Nội chống dịch. Trong hơn 1 tuần công tác tại đây, lực lượng y, bác sỹ đã phối hợp với cán bộ địa phương thực hiện lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm và hoàn thành hàng nghìn mũi tiêm cho người dân vùng dịch. Tổng cả đợt, tỉnh đã huy động 576 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ đã hy sinh những quyền lợi cá nhân để xung phong lên đường vào tâm dịch mà không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy.

Dù không đi công tác như những y, bác sỹ tăng cường cho miền Nam, nhưng với nhiều y, bác sỹ trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, việc "bám" bệnh viện hàng tháng trời, cách ly gia đình, người thân nhiều ngày liên tục đã trở nên quen thuộc. Để đáp ứng công việc, thần tốc triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, hàng nghìn y, bác sỹ từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã phải làm việc liên tục trong nhiều ngày đêm. Đôi bàn tay chai sạn, khuôn mặt vằn vện bởi những lớp khẩu trang, dầm mình đến ngất xỉu trong những bộ bảo hộ nóng nực, nhưng chưa khi nào họ từ bỏ quyết tâm, từ bỏ niềm tin và hy vọng. Đó  là sự cống hiến, là sự xả thân quên mình, nỗ lực hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.

Tổ Covid cộng đồng - lá chắn chống dịch từ cơ sở 

Cùng với các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch, tổ Covid cộng đồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát Nhân dân thực hiện các biện pháp PCD, giúp cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai PCD Covid-19 hiệu quả.


Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) thường xuyên trao đổi, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch đến các tổ Covid cộng đồng. Ảnh: Tổ Covid cộng đồng thuộc tổ dân phố số 1, phường Hữu Nghị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập gần 4.000 tổ Covid cộng đồng với hàng nghìn thành viên. Các tổ thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát các trường hợp đang cách y tế tại nhà trên địa bàn phụ trách; ghi chép, theo dõi tình hình nhân khẩu và các trường hợp F0, F1, F2 hàng ngày; tích cực tham gia tuyên truyền Nhân dân thực hiện các biện pháp PCD, quy định về giãn cách, theo dõi sức khỏe người dân. Tổ nắm bắt, theo dõi sức khoẻ của người dân hằng ngày thông qua trao đổi trên nhóm Zalo, qua điện thoại trực tiếp kịp thời báo trạm y tế về tình hình của hộ có người sốt, ho, để được tư vấn và thực các biện pháp PCD theo quy định. 

Bên cạnh đó, các tổ Covid cộng đồng còn thực hiện tốt công tác phối hợp truy vết các trường hợp F1, F2 trên địa bàn đạt kết quả cao. Các thành viên của tổ, nhóm đã tích cực phối hợp, trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết các trường hợp F1, F2 để đưa đi cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Trong thời gian qua đã phối hợp truy vết, theo dõi hàng nghìn trường hợp F1 và F2. Phối hợp thực hiện tốt việc lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế và cài đặt phần mềm PC-Covid đảm bảo yêu cầu công tác PCD. 

Anh Bùi Hồng Đông, tổ Covid cộng đồng tổ 2, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ, hàng ngày, tổ Covid cộng đồng nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống Nhân dân. Đặc biệt, khi thực hiện cách ly F1 tại nhà, chúng tôi tiến hành kiểm tra các hộ gia đình có người là F1, F2 để nhắc nhở thực hiện tốt các quy định trong PCD. Kịp thời hỗ trợ các gia đình khó khăn khi phải đi cách ly tập trung; thành lập nhóm Zalo của tổ, nhóm Zalo riêng đối với các trường hợp F1 và nhóm Zalo chung đối với các hộ dân để theo dõi và tuyên truyền công tác PCD.

Với tinh thần quyết tâm cao nhất "chống dịch như chống giặc", sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, cùng tinh thần trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đã góp phần quan trọng trong công tác PCD Covid-19 trên địa bàn, sớm đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".


Đinh Hòa

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục