(HBĐT) - Trò chơi dân gian của các dân tộc tỉnh ta khá đa dạng, phong phú. Chính điều đó đã làm cho văn hóa các dân tộc thiểu số có nét riêng biệt, độc đáo góp phần vào bức tranh chung của cả tỉnh. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên, xã hội, trình độ phát triển tương tự nhau, sống trong môi trường sinh thái giống nhau cộng với sự giao lưu qua lại nên các dân tộc cũng có một số trò chơi dân gian giống nhau. Trò chơi dân gian của các dân tộc ở Hòa Bình gắn bó với môi trường tự nhiên bao quanh họ, gắn bó với cuộc sống thường nhật với những đồ vật trong sinh hoạt thường ngày của họ. Cũng như nhiều phong tục khác, trò chơi dân gian của người Mường cũng có nhiều nét giống trò chơi dân gian của người Việt.

 

Bài 22:   Độc đáo các trò chơi dân gian ở Hòa Bình

Nhiều trò chơi của các dân tộc ở Hòa Bình là trò chơi của trẻ em. Còn những trò chơi của người lớn chủ yếu nhằm rèn luyện sức lực, tài năng, sự thông minh và khéo léo, đặc biệt là đối với đàn ông, trai tráng. Nét đặc biệt ở các trò chơi của người lớn ở các dân tộc Hòa Bình là sự rèn luyện tính kiềm chế và nhẫn nại, mềm mỏng nhưng quyết liệt. Đó là phẩm chất quý của đàn ông. Đương nhiên, đã là trò chơi thì yếu tố thư giãn, giải trí luôn được để ý đến. Mọi người đến cuộc chơi để vui chơi, giao lưu, củng cố thêm tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng. Bên cạnh đó, một số trò chơi dân gian của các dân tộc còn mang tính nghi lễ. Rõ ràng, những trò chơi dân gian của các dân tộc anh em trên đất Hòa Bình là các sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời sống hàng ngày của họ. Nhìn vào những trò chơi ấy, người ta còn phần nào hiểu được triết lý sống của dân tộc, chủ nhân những trò chơi đó. Đấy là những ý nghĩa cơ bản của những trò chơi dân gian của các dân tộc ở Hòa Bình.

Cuộc thi đi cà kheo trong ngày hội đầu năm ở huyện Kỳ Sơn.

Người Mường có nhiều trò chơi như đánh cò le, đánh cù (đánh đuốn), đi cà kheo, kéo co và đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đánh mảng, đánh đu, chằm chỉ chằm chăn…Trò đánh mảng thường được tổ chức ở sân đất nhẵn và bằng phẳng, rộng rãi, dưới những ngôi nhà sàn yên tĩnh trong xóm, trong mường. Đồng mảng là hạt của loại cây trong rừng, có hình dẹt tròn, đường kính khoảng 3-4 cm, màu nâu bóng, rất dẻo và rất rắn. Để chơi, người chơi phải qua 10 bước. Đánh mảng có thể chơi 2 người hoặc đông người, chia thành 2 phe. Những ngày tết, ngày cưới, sân mảng thật rộn rã, đông vui. Người chơi, người xem hòa nhập cùng nhau với thái độ hồ hởi. Người chơi say sưa biểu diễn tài nghệ của mình cho thật chuẩn xác, đẹp mắt. Người xem bình luận, hô hét khích lệ rất hào hứng. Cái vui của đánh mảng chính là ở đó.

Trò chơi ném còn thường được tổ chức trong ngày hội, lôi cuốn nhiều người chơi và rất đông người xem, nhất là trai, gái bản Mường. Không gian bừng sáng sôi động bởi nụ cười, tiếng nói cùng những sắc màu của quả còn bông, quả còn hoa tung bay trong không gian… Bên trai ném qua, bên gái ném về giao duyên cùng các câu hát đối đáp đằm thắm, ý tứ. Người Thái ở Hòa Bình có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Keng loong, đánh trống chiêng, chơi quay, ném còn, tó lẻ, thi hát đối đáp, đấu vật, bắn nỏ, đánh khăng… Keng loóng được coi là một trong những trò chơi truyền thống gắn với quan niệm xưa ếch ăn trăng vào ngày nguyệt thực của người Thái. Đây là lối chơi âm nhạc của người Thái bằng cách dùng chày giã gạo vào cối hình thuyền, tạo nên những âm thanh đặc biệt. Việc chơi thể hiện sự khéo léo, uyển chuyển của người phụ nữ trong sử dụng các dụng cụ như chày, cối…

Hiện nay, khi lễ hội “Xên mường, xên bản” được khôi phục lại, huyện Mai Châu đã đưa các trò chơi một thời như đẩy gậy, bắn nỏ thành các cuộc thi thể thao truyền thống, thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân. Trò chơi dân gian của người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) gắn với những ngày tết Mông giàu bản sắc. Trò chơi ném pó po (tao pao). Quả pópo có hình một chiếc gối nhỏ xíu, hình vuông, 2 mặt phồng lên, mỗi cạnh rộng độ 10 phân, dày khoảng 7 phân, vỏ bằng vải màu xanh, đỏ, trắng, đen. Không có tua. Lõi quả là những mảnh vải vụn, cắt ra nhồi rồi dùng kim chỉ khâu lại. Trai gái chưa có gia đình chơi với nhau; chia làm 2 tốp nam một bên, nữ một bên. Hai tốp dàn hàng ngang quay mặt vào nhau. Trò chơi ném pópo vừa mang tính cộng đồng, tính tập thể mạnh mẽ nhưng tính cá thể, cái riêng cũng được nâng đỡ, vun đắp. Sau cuộc chơi, nhiều bạn trẻ đã tìm được tình yêu, tình bạn và không ít đôi đã nên vợ nên chồng. Ném pópo là một hình thức văn hóa, là trò chơi dân gian cổ truyền của dân tộc Mông. Người Mông còn có trò chơi độc đáo và hấp dẫn khác đó là tẩu Tulu (đánh cù)… Đây là trò chơi thiên về sức mạnh và sự khéo léo; có tính đối kháng cao, có được, có thua được nhân dân, nhất là trai bản Mông ưa thích. Trò chơi này dành riêng cho nam giới.

Trên địa bàn tỉnh ta, các dân tộc khác như dân tộc Tày (Đà Bắc), dân tộc Dao ở các huyện, thành phố cũng vẫn duy trì các trò chơi của dân tộc mình trong những ngày lễ, tết nhằm tạo nên niềm vui cho cộng đồng và mỗi gia đình sau một giai đoạn, một năm lao động vất vả. Người Tày có các trò chơi giống như các trò chơi của các dân tộc khác như Mường, Thái với các trò chơi như: ném còn, bắn nỏ, kéo co, đánh đu, đánh đuốn… Người Dao có các trò chơi như đá cầu, kéo co, nhảy dây, đánh đu, bắn nỏ… Sự gần nhau, giống nhau của các trò chơi, chứng tỏ mối quan hệ, giao lưu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh hết sức gần gũi và có sự học hỏi, tác động lẫn nhau. Điều đó, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, sự hài hòa, gắn kết trong cuộc sống thường ngày. Hiện nay, nhiều trò chơi như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn… đã trở thành môn thi đấu thể thao tại các hội thi các cấp từ xã đến cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Nhiều VĐV của tỉnh xuất thân là các chàng trai, cô gái Mường, Thái, Dao, Kinh đã đạt được các thành tích cao trong khu vực và toàn quốc.

(Còn nữa)

Bài 23: Tục lệ trong việc cưới hỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta

                                                                                  

 

                                                                            Bùi Văn (TH)

 

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục