Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình

“Cầu nối” giúp thanh niên thành phố Hòa Bình khởi nghiệp

Thứ tư, 14/4/2021 | 8:45:17 Sáng

(HBĐT) - Được các cấp bộ Đoàn thành phố Hòa Bình đồng hành trong hành trình khởi nghiệp từ những ngày đầu tiên, đến nay, chị Nguyễn Thị Mai Dung, ĐVTN tổ dân phố Trung, phường Trung Minh đã trở thành một trong những TN trẻ tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp tại địa phương.

 


Cán bộ Hội Nông dân thành phố Hoà Bình dạy nghề thủ công mây tre đan xuất khẩu cho đoàn viên thanh niên phường Hữu Nghị.

Chị Dung chia sẻ: Vài năm trước, gia đình tôi lựa chọn nghề nuôi ong để phát triển kinh tế, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Thông qua các hoạt động đồng hành, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn thành phố, tôi được hỗ trợ thêm ong giống, tham gia các lớp dạy nghề, chuyển giao KHKT để áp dụng vào mô hình. Nhờ vậy, chỉ từ 10 đàn ong mật ban đầu (năm 2019), hiện trong khu vườn trên 1.000 m2 của gia đình đã có trên 40 đàn ong mật. Mỗi vụ, cả vườn thu trên 200 lít mật, bán với giá 140.000 đồng/lít. Với nguồn thu nhập này, đời sống gia đình được cải thiện hơn. Cũng từ đó, tôi có thêm kinh nghiệm, kiến thức để hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với những ĐVTN trên địa bàn đang băn khoăn trên con đường lập thân, lập nghiệp.  

Không chỉ chị Dung, qua phong trào lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, làm ăn hiệu quả. Trong đó, phải kể đến mô hình của những TN trẻ như: Trần Thị Liêm (phường Hữu Nghị) với cửa hàng chuyên may và bán chăn ga, gối đệm; Nguyễn Anh Đức (xã Hợp Thành) với mô hình chăn nuôi lợn, dê mang lại thu nhập khá…

Với trên 8.000 ĐVTN, sinh hoạt tại 56 chi đoàn cơ sở. Thời gian qua, các cơ sở Đoàn trong thành phố chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của TN để phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao KHKT sản xuất và kinh nghiệm, tổ chức xây dựng các mô hình kinh tế; tăng cường triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm cho học sinh, ĐVTN. Từ năm 2020 đến nay, các cấp bộ Đoàn thành phố đã phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thu hút gần 1.000 ĐVTN, người lao động trên địa bàn đến tìm hiểu thông tin về việc làm. Đoàn TN các trường học cũng phối hợp với các trường Đại học tại Hà Nội tổ chức 10 buổi tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu về các trường đại học và cơ hội xin việc sau khi ra trường, tìm kiếm các cơ hội du học... thu hút trên 3.000 lượt ĐVTN lớp 11,12 tham gia. 

Cùng với đó, Thành Đoàn tiếp tục làm tốt vai trò "cầu nối” giúp ĐVTN vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện, đã có hàng trăm hộ ĐVTN được tiếp cận nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 20 tỷ đồng. Nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm do T.Ư Đoàn cũng được Thành Đoàn quản lý và triển khai hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Đức Tính, Phó Bí thư Thành Đoàn cho biết: "Phong trào đồng hành cùng TN lập thân, lập nghiệp” được Thành Đoàn chỉ đạo các Đoàn trực thuộc triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho ĐVTN. Một trong những thuận lợi của TN là có sức khỏe, nhiệt huyết, sự sáng tạo và kiến thức. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế như chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất, thiếu nguồn vốn, chưa được tư vấn để phát triển kinh tế với những mô hình phù hợp... Để tháo gỡ khó khăn cho TN trong quá trình khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần khởi nghiệp trong TN; chú trọng đến việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của TN thông qua cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh”. Cùng với đó, tranh thủ nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn, Ngân hàng CSXH, Thành Đoàn tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương liên kết với các tổ chức, ngân hàng có những chính sách thông thoáng hơn, giúp TN có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Thu Hằng