Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương

Thứ tư, 14/5/2025 | 2:33:55 Chiều

Cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập trong phiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng 14/5.

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Các ý kiến cho rằng, đây là một dự án luật quan trọng, sửa đổi toàn diện về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, có tác động lớn đến tổ chức bộ máy. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây, tránh bỏ sót, chồng chéo làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích, hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ được phân quyền, ủy quyền

Nhất trí với quy định UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương, tuy nhiên, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) chỉ ra, dự thảo luật chưa có quy định về việc xem xét giải quyết của Chính phủ sau khi nhận đề xuất của UBND tỉnh. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm xem xét giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất của UBND tỉnh về phân quyền để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất, thuận lợi trong thực tiễn thực hiện.

Theo đại biểu, điểm a, khoản 2, Điều 14 dự thảo luật quy định việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải xác định cụ thể nội dung, phạm vi và thời gian ủy quyền, cách thức thực hiện và những điều kiện cần thiết thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền. Tuy nhiên, tại khoản 5, Điều 14 dự thảo luật quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền điều chỉnh nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền, không được ủy quyền tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Như vậy, việc điều chỉnh chỉ thực hiện nội dung, phạm vi, thời gian ủy quyền mà không quy định việc điều chỉnh cách thức thực hiện, các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 5, Điều 14 theo hướng cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị điều chỉnh tất cả các nội dung của văn bản ủy quyền để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền, trong đó quy định cả về cách thức thực hiện và điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng dự thảo luật quy định còn chung chung về thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã. Như vậy là chưa thể hiện được rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành. Đại biểu đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã. 

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trên thực tế.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

"Chương III dự thảo luật đã quy định về khái niệm, quy tắc, điều kiện, cách thức thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền. Tôi cho rằng để đẩy mạnh và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, rất cần thiết phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành", bà Hà nói.

Từ lý do trên, đại biểu này đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền cho phù hợp. Bởi nếu không rà soát hết các quy định của pháp luật chuyên ngành thì kể cả khi luật này có quy định rõ về phân công, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhưng các luật chuyên ngành khác có liên quan không đồng bộ, không thống nhất cũng sẽ dẫn tới vướng mắc, bất cập, thậm chí là không thi hành được trên thực tế. 

Bên cạnh đó, bà đề nghị tiếp tục thể chế kịp thời, đầy đủ hơn nữa một số nghị quyết của Bộ Chính trị vừa ban hành trong một số lĩnh vực khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ hơn trên các lĩnh vực để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và phù hợp với nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; yêu cầu thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhằm nâng cao năng lực, tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Đồng tình với phát biểu của nhiều đại biểu về việc tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị xem xét quy định: "Quản lý ngân sách địa phương, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản công được giao theo quy định của pháp luật" tại khoản 5 Điều 16 theo hướng giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND để bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành công việc chung của UBND và Chủ tịch UBND do các nội dung liên quan đến ngân sách đều được đưa ra HĐND xem xét quyết nghị.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại khoản 3, Điều 17 và khoản 3, Điều 18, cần bổ sung việc đẩy mạnh ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND cho các sở, ngành, giám đốc sở, ngành chuyên môn, không chỉ ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như dự thảo nêu.

Đại biểu Hà phân tích, thực tế hiện nay Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng đã thực hiện việc ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho giám đốc các sở, ngành. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể trong luật vừa bảo đảm cụ thể, chi tiết, vừa góp phần thúc đẩy yêu cầu về phân cấp, phân quyền theo quy định hiện nay.

Ngoài ra, theo đại biểu, dự thảo hiện nay chưa có quy định giao thẩm quyền cho HĐND cấp xã được ban hành các chế độ, nội dung chi, mức chi cho các hoạt động của HĐND cấp xã. Nhất là trong bối cảnh cấp xã sẽ được bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện trong thời gian tới, do vậy xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho HĐND cấp xã là cần thiết. Điều 21 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã, tuy nhiên thẩm quyền trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách vẫn còn hẹp, cần phải tiếp tục phân cấp, mở rộng thêm thẩm quyền. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền của HĐND cấp xã trong việc huy động các nguồn lực của nhân dân.



Theo Baotintuc.vn