Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy

“Thay áo mới” cho vùng nông thôn Lạc Thủy

Thứ hai, 29/3/2021 | 10:17:50 Sáng

(HHBĐT) - Về huyện Lạc Thủy, được sải bước trên những con đường rộng rãi, ngập sắc hoa; được thả hồn tận hưởng hương hoa dịu ngọt bên những khu vườn, quả đồi thoai thoải xanh mướt; ngắm nhìn nhiều mái trường, trạm y tế, nhà văn hóa… khang trang, bề thế được xây dựng ở những xã vùng sâu, vùng xa mà thật vui về sự đổi thay của huyện nông thôn mới đã hiện hữu.


Vừa qua, đoàn công tác của T.Ư và UBND tỉnh đã khảo sát thực tế tại một số HTX, doanh nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện Lạc Thủy để thẩm định, đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM. (Ảnh tại trại gà Tuấn Chuyền, xã Phú Thành).

Nhắc tới xã Hưng Thi, hẳn những ai trước đây từng đến vùng đất này không khỏi ái ngại vì giao thông trắc trở và là một trong những xã diện khó khăn nhất huyện. Địa hình chia cắt bởi 6 con sông, suối nên dân cư sống thưa thớt, hình thành nhiều xóm nhỏ lẻ. Để đi lại, chính quyền và người dân phải bắc những cây cầu tre nối liền các xóm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ. Xe ô tô không vào được, việc giao thương hàng hóa nhiều trở ngại. Tuy nhiên, "bài toán” về giao thông đã được giải khi xã có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua. Nhất là từ sự quan tâm của Nhà nước, những chiếc cầu kiên cố được xây dựng, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân, cũng từ đó, bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Hưng Thi mới đạt 3/19 tiêu chí; thu nhập bình quân chỉ đạt 10,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 47%. Sau 10 năm thực hiện chương trình, từ đầu tư của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của Nhân dân, xã đã huy động nguồn lực trên 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất. Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất với nhiều mô hình hiệu quả từ trồng cây ăn quả, trồng sả… Nhờ cách làm bài bản, đến nay, các công trình hạ tầng thiết yếu của xã được xây dựng đồng bộ. Đời sống người dân cải thiện rõ rệt với thu nhập bình quân đạt 45,3 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn hơn 7%. Năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hưng Thi là xã cuối cùng của huyện về đích NTM. Kết quả này cho thấy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM ở Lạc Thủy có sự bứt phá mạnh mẽ. Được biết, năm 2011, khi bước vào XDNTM, số tiêu chí bình quân của huyện mới đạt 5,85 tiêu chí/xã. Các tiêu chí chưa đạt đều khó khăn, cần nguồn lực lớn như: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, hộ nghèo. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hóa chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất.

Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Ban Chỉ đạo từ huyện đến xã được thành lập, thường xuyên kiện toàn, tập trung lãnh đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp XDNTM trên địa bàn huyện. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua "Huyện Lạc Thủy chung sức XDNTM” tới các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, lợi ích của chương trình đem lại. Nhờ đó đã tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư để huy động mọi nguồn lực XDNTM.

Theo số liệu của UBND huyện, trong giai đoạn 2011-2020, huyện Lạc Thủy được sự quan tâm của T.Ư, của tỉnh đầu tư ngân sách và huyện huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện XDNTM đạt trên 7.765 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn lực từ doanh nghiệp hơn 355 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 814,514 tỷ đồng. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là huyện đã vận dụng đúng đắn sức dân với phương châm "Lấy sức dân lo cuộc sống cho dân”, nhờ vậy đã khơi dậy được sức mạnh từ Nhân dân.

Diện mạo vùng nông thôn huyện Lạc Thủy đã được "thay áo mới”. Kinh tế tăng trưởng khá, có sự chuyển dịch tích cực. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư. Đến nay, trên địa bàn huyện có 100% tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã được xây dựng đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. 100% đường xã, đường nối từ trung tâm xã lên huyện đạt chuẩn; 70% đường trục thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 76% đường ngõ xóm được cứng hóa, sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa; 65% đường nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa, 100% đảm bảo vận chuyển hàng hóa, thuận tiện quanh năm.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ giữa hệ thống thủy lợi liên xã và hệ thống thủy lợi của từng xã; kênh mương tưới, tiêu kiên cố đạt 53%; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu nước chủ động từ công trình thủy lợi chiếm gần 86%. Hệ thống điện phục vụ cho SX-KD và hệ thống điện dân sinh xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Cùng với đó là hệ thống cơ sở vật chất về giáo dục, y tế, văn hóa… được ưu tiên nguồn lực đầu tư; cảnh quan, môi trường nông thôn cải thiện; ANTT đảm bảo; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.

Đặc biệt, nói về thành quả XDNTM ở Lạc Thủy không thể không nói tới sự thay đổi tư duy, cách làm trong nông nghiệp. Điểm nhấn là huyện đã có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy”, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: "Gà Lạc Thủy”, "Na Lạc Thủy”, "Dê Lạc Thủy”, hiện đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Chè Sông Bôi”. Bên cạnh đó, huyện có 10 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh xếp hạng với 2 sản phẩm được công nhận 4 sao là gà tươi nguyên con, chủ thể HTX chăn nuôi gà Lạc Thuỷ - xã An Bình; chè Sông Bôi, chủ thể Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long và 8 sản phẩm được công nhận 3 sao. Huyện dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa với một số loại sản phẩm có thế mạnh như: Diện tích cây ăn quả có múi phát triển trên 1.300 ha; diện tích trồng na tập trung ở xã Đồng Tâm hơn 100 ha; trồng chè trên 250 ha, tập trung ở xã Phú Nghĩa, Phú Thành; vùng rau an toàn 150 ha ở xã Đồng Tâm, Phú Nghĩa, thị trấn Chi Nê; trồng rau công nghệ cao tại xã Thống Nhất, thị trấn Ba Hàng Đồi... Lạc Thủy cũng được đánh giá là huyện phát triển kinh tế trang trại hiệu quả với nhiều loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thực tế đã chứng minh, Chương trình XDNTM đã mang lại hiệu quả ấn tượng cho phát triển KT-XH của huyện Lạc Thủy. Đến năm 2020, thu nhập bình quân của huyện đạt 50,5 triệu đồng/người (tăng 3,8 lần so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 4,66% (giảm 16,74%). Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và không còn xã đặc biệt khó khăn.


Bình Giang