Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy

Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội

Thứ bảy, 23/7/2022 | 12:03:54 Chiều

(HBĐT) - Những năm qua, kinh tế huyện Lạc Thủy có bước phát triển, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng nhanh. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và linh hoạt huy động mọi nguồn lực để thực hiện đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, chương trình nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư nâng cấp.



Hệ thống đường giao thông xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ) được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Năm 2011, khi bắt tay vào XDNTM, huyện Lạc Thủy gặp nhiều gian nan, trở ngại. Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá mới đạt 5,85 tiêu chí/xã. Các tiêu chí chưa đạt đều đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... Toàn huyện có 11/13 xã thuộc đầu tư chương trình 135...

Khó khăn là vậy, song, huyện xác định XDNTM có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc. Do vậy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai chương trình đồng bộ, quyết liệt, vai trò chủ thể và quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy.

Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập thì đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được Lạc Thủy xác định đóng vai trò then chốt để hoàn thành chương trình, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, việc huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình, dự án đến tận xóm, xã được đặt lên hàng đầu. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn huyện đạt hơn 7.765 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 175,712 tỷ đồng; ngân sách địa phương 678,235 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên 1.776 tỷ đồng; vốn tín dụng 3.965,501 tỷ đồng; vốn hỗ trợ của doanh nghiệp trên 355 tỷ đồng và Nhân dân đóng góp 814,514 tỷ đồng, chiếm 10,49%.

Từ nguồn vốn huy động, UBND huyện chỉ đạo các xã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh như hệ thống đường - trường - trạm, công trình thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá, hạ tầng thương mại nông thôn, công trình nước sạch, cải tạo cảnh quan môi trường, điểm tập kết và xử lý rác thải tập trung…

Đối với nguồn vốn Nhân dân đóng góp được chính họ bàn bạc, quyết định, thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, không quá sức dân. Theo đó phần lớn là đầu tư làm đường liên thôn, liên xóm, trục thôn, trục xóm, ngõ xóm, hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa, sân thể thao... Sử dụng hiệu quả nguồn vốn do Nhân dân đóng góp đã góp phần phát huy sức mạnh nội lực trong XDNTM.

Từ sự năng động trong huy động và tranh thủ nguồn lực đầu tư, các xã tập trung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều hạng mục, công trình cơ sở hạ tầng. Trong đó phát triển giao thông được xác định là khâu đột phá. Các tuyến đường GTNT được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong huyện có nhiều hộ tự nguyện hiến đất, góp công, góp tiền thực hiện phong trào làm đường GTNT. Toàn huyện đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 128 công trình hạ tầng giao thông; xây mới, nâng cấp, sửa chữa, nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa trên 300 km đường, nâng số km đường giao thông đạt chuẩn lên hơn 540 km.

Ngoài ra, huyện có 118 công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng chính được cứng hóa đạt khoảng 53%. Từ các chương trình, dự án, NSNN kết hợp vốn đầu tư của doanh nghiệp, huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 32 trạm biến áp, 24,5 km đường dây trung thế, 38,2 km đường dây hạ thế. Hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa. Cùng với đó, tỷ lệ trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sân vận động xã và hộ có nhà đạt chuẩn theo quy định đạt cao... Từ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH đồng bộ đã tạo đà thúc đẩy huyện Lạc Thủy phát triển, bước đầu thực hiện được mục tiêu là vùng động lực kinh tế của tỉnh.

Bình Giang