Huyện ủy, UBND huyện Kim Bôi

Huyện Kim Bôi: Hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề

Thứ năm, 17/6/2021 | 5:17:17 Sáng

(HBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài từ năm 2020 đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Kim Bôi vẫn đạt được hiệu quả cao nhờ quá trình triển khai, thực hiện có sự linh hoạt, chủ động, sát với nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động.


Sau đào tạo, lao động nông thôn xã Nam Thượng (Kim Bôi) có việc làm, thu nhập ổn định tại xưởng sản xuất túi xách siêu thị của Công ty TNHH MTV Hùng Như - Kim Bôi.

Gần đây, bên cạnh lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất tinh dầu sả chanh, HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn thành lập thêm xưởng may chuyên may gia công cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội. Xuất phát từ nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện đã phối hợp HTX trong việc hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm. Cụ thể, 28/28 học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Hiện, mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng khoảng 6 triệu đồng/người/ tháng. Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán, thu nhập người lao động cao gấp 1,5 lần.

Năm 2020, Trung tâm GDNN-GDTX huyện cũng đã triển khai mở lớp dạy các nghề mây tre đan xuất khẩu, mây giang đan cho 210 học viên, thời gian học dưới 3 tháng. Thông qua công tác đào tạo, liên kết hỗ trợ việc làm, trên địa bàn huyện đã thành lập được một số tổ hợp sản xuất mây tre đan tại các xã: Đông Bắc, Sào Báy, Xuân Thủy. Theo kết quả khảo sát sau đào tạo, trên 90% học viên hoàn thành khóa học có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Bùi Thị Huyền, thôn Cặm Cõ, xã Đông Bắc chia sẻ: Thu nhập tuy không cao nhưng ổn định, công việc được duy trì, đầu mối giao hàng đều đặn, lao động nông thôn chúng tôi lạc quan làm nghề, cũng như ít bị tác động của tình hình dịch Covid-19.

Một nghề khác gắn với hiệu quả sau đào tạo là nghề may túi xách siêu thị. Đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã đào tạo cho 90 học viên là nữ người dân tộc thiểu số. Qua kênh tiêu thụ của Công ty TNHH MTV Hùng Như - Kim Bôi, 100% học viên được nhận vào làm tại xưởng may túi xách siêu thị xã Nam Thượng, Đông Bắc, đảm bảo mức thu nhập trên dưới 4,5 triệu đồng/người/ tháng. Theo ông Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Như, yêu cầu công việc đối với nghề may túi xách siêu thị không phức tạp, phù hợp với lao động nữ. Hơn nữa, môi trường, điều kiện sản xuất an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian qua, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra đảm bảo, hàng chủ yếu xuất sang thị trường EU. Đồng nghĩa với hoạt động của các xưởng may, việc làm, thu nhập của các lao động vẫn ổn định.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện, vấn đề khảo sát, hướng nghiệp, lựa chọn những nghề phù hợp để lao động có việc làm thích ứng với tình hình dịch Covid-19 là vấn đề đang được các cơ sở dạy nghề đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, bên cạnh việc mở các lớp dạy nghề may công nghiệp, may túi xách siêu thị, nghề mây tre đan xuất khẩu, đan lát thủ công, mây giang đan, trung tâm tăng cường mở các lớp nghề hướng dẫn du lịch, hàn điện, kỹ thuật chăn nuôi gà hữu cơ, kỹ thuật phòng, trị bệnh cho gia cầm. Kết quả đáng khích lệ là tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo tăng cao, năm 2020 là 90,1%, chủ yếu thông qua các kênh doanh nghiệp tuyển vào làm việc. Một số lao động sau học nghề tự tạo việc làm, hoặc đứng ra thành lập tổ sản xuất nhỏ. Năm 2021, với dự kiến mở 7 lớp đào tạo nghề cho trên 201 học viên, trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, chú trọng hoạt động điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động. Thông qua đó, thực hiện trúng, đúng mục tiêu, nâng cao hiệu quả tạo việc làm sau đào tạo, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm mới và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Bùi Minh