Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Thổ cẩm xóm Cóm, xã Đông Lai - tinh tế trong từng họa tiết 

Thứ ba, 29/4/2025 | 1:09:55 Chiều

Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề truyền thống gắn bó mật thiết với cộng đồng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Trong đời sống hiện đại, từng có thời điểm dệt thổ cẩm bị mai một. Tuy nhiên, tại xóm Cóm, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc có những người phụ nữ Mường đã làm sống dậy tinh hoa thổ cẩm xứ Mường qua những sản phẩm kết hợp truyền thống với hiện đại. Họ là những thành viên của Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm truyền thống và dịch vụ tổng hợp xã Đông Lai. 


Các công đoạn tạo ra sản phẩm thổ cẩm của hợp tác xã được làm hoàn toàn thủ công.

Nghề dệt thổ cẩm của người Mường xóm Cóm đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hoá dân tộc. Những sản phẩm thổ cẩm như vải, khăn, túi, ví, áo, cạp váy... không chỉ đơn thuần là những món đồ dùng trong đời sống hàng ngày, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ sự kết hợp giữa kỹ thuật dệt tinh xảo cùng đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mường nơi đây. Năm 2017, xóm Cóm, xã Đông Lai đã chính thức được công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại tỉnh Hoà Bình. Hiện nay, dù không còn duy trì làng nghề nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn là niềm tự hào của phụ nữ Mường xóm Cóm. Năm 2023, HTX Dệt thổ cẩm truyền thống và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Đông Lai được thành lập với 16 thành viên nhằm khôi phục, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại địa phương. Sau gần 2 năm thành lập, năm 2025, sản phẩm thổ cẩm của HTX chính thức được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là minh chứng cho những nỗ lực của HTX trong bảo tồn, gìn giữ nghề thủ công truyền thống và hiện đại hoá sản phẩm để phù hợp với thời đại, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu thị trường.

Những ngày cuối tháng 4, cùng cán bộ UBND huyện Tân Lạc, chúng tôi đến thăm mô hình HTX tại xóm Cóm, xã Đông Lai. Khác với sự hình dung, "chủ nhân" của những sản phẩm khăn quàng, ví, ba lô ... rất thời thượng đang được HTX bày bán lại là những người phụ nữ đã lên chức bà, vẫn giữ nếp mặc trang phục Mường và vẫn hát "thường rang" trong khi tay thoăn thoắt đưa thoi trên khung dệt.

Bà Bùi Thị Sung, thành viên cao tuổi nhất HTX chia sẻ: Dệt thổ cẩm chính là niềm tự hào của người phụ nữ Mường. Lên chín, lên mười, hầu hết phụ nữ Mường đều đã thành thạo công việc bên khung dệt. Chính vì vậy, chúng tôi vô cùng phấn khởi, tự hào khi có thể khôi phục và duy trì nghề truyền thống. Với những sản phẩm này, chúng tôi muốn giới thiệu văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng mong muốn duy trì nghề dệt thổ cẩm trở thành một công việc ổn định, giúp phụ nữ Mường có thêm cơ hội việc làm, cải thiện đời sống. 

Được biết, tất cả các sản phẩm thổ cẩm của HTX đều được dệt hoàn toàn thủ công từ sợi bông tự nhiên. Việc thu hoạch bông, tẩy sợi, đến quá trình dệt đều được thực hiện tỉ mỉ, công phu. Để tạo nên những nét hoa văn đặc sắc, các thành viên HTX đã gửi gắm vào sản phẩm thổ cẩm những câu chuyện, phong tục tập quán đẹp cũng như những cách nhìn nhận của người Mường đối với thế giới tự nhiên và xã hội. Từ chất liệu ấy, HTX làm ra những sản phẩm như khăn, áo, ví, ba lô, túi xách với chất liệu hoàn toàn tự nhiên. Bà Bùi Thị Mỉa, 71 tuổi, thành viên HTX cho biết: Hiện nay, chúng tôi chú trọng xây dựng sản phẩm thủ công 100% từ các khâu ươm tơ, nhuộm vải, dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng đã có nhiều cải tiến trong việc phối màu hoa văn để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng. Đồng thời, cải tiến kỹ thuật may để có các sản phẩm chất lượng từ đường kim, mũi chỉ. 

Bằng những bước đi vững chắc ban đầu, HTX đã và đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nghề dệt thổ cẩm. Với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, nghề dệt thổ cẩm đã giúp nhiều phụ nữ trong xã Đông Lai có thêm thu nhập ổn định. Bằng cách kết hợp giữa hướng đi truyền thống và hiện đại hoá sản phẩm, HTX đã tạo việc làm, tăng thu nhập và gìn giữ, phát huy nghề truyền thống.

Nhằm xây dựng thương hiệu cho, HTX đã tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu đưa ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 


Phương Linh