Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Điện đi trước một bước để phát triển kinh tế

Thứ năm, 1/5/2025 | 9:57:02 Sáng

Từ chỗ hạ tầng thiếu thốn, lưới điện xuống cấp, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện chỉ đạt hơn 38%, đến nay, ánh sáng điện quốc gia đã lan tỏa khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa tỉnh Hòa Bình. Từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, phát triển KT-XH ở các địa phương.


Điện lực Lạc Sơn đầu tư mới đường dây hạ áp tại xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc), giúp nâng cao chất lượng điện năng và đảm bảo an toàn.

Phủ điện lưới quốc gia đến xóm, bản

Những năm đầu tái lập, toàn tỉnh chỉ có một chi nhánh điện thị xã, với điều kiện kỹ thuật, nhân lực và vật tư hạn chế. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Điện, hạ tầng lưới điện từng bước được đầu tư, mở rộng. Giai đoạn 1991 - 2002, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện nâng lên hơn 73%, điện lưới phủ tới 175/214 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2003, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia.

Với phương châm "điện đi trước một bước” để tạo đà phát triển, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 91 công trình điện với tổng mức đầu tư hơn 2.025 tỷ đồng. Trong đó, ngành điện làm chủ đầu tư 90 công trình, gồm: 1 công trình lưới điện 220kV, 11 công trình lưới điện 110kV và 77 công trình lưới điện trung, hạ áp với hơn 1.200km đường dây, 535 trạm biến áp. Một công trình lưới điện nông thôn do Sở Công Thương làm chủ đầu tư cũng đã hoàn thành với quy mô trên 92km đường dây, 45 trạm biến áp và gần 1.000 công tơ điện, ưu tiên phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa.

Hiệu quả đầu tư thể hiện rõ ở nhiều địa phương. Tại xã Gia Mô (Tân Lạc), dù đã có điện lưới quốc gia từ năm 2003, nhiều hộ từng phải kéo điện từ xa bằng cột tre. Đến nay, hệ thống cột điện, dây dẫn đã được đầu tư đồng bộ, bảo đảm cấp điện an toàn, thuận tiện. Ông Bùi Văn Nhát, xóm Rên, xã Gia Mô chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi rất lo lắng nguy cơ cháy, nổ điện vào mùa mưa bão vì kéo đường dây điện xa. Giờ đây, đường dây đã được kéo đến tận nhà, chất lượng điện đảm bảo, không còn tình trạng nhảy áp, điện yếu như trước”.

Tại xã Quyết Thắng (Lạc Sơn), trước đây cũng là "điểm nóng” về điện yếu, chập chờn. Hệ thống cột 0,4kV chưa phủ kín các xóm, nhiều hộ phải tự dựng cột tre, gỗ kéo điện xa hàng trăm mét, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Những năm gần đây, lưới điện được cải tạo đáng kể, một số trạm biến áp mới được xây dựng, chất lượng điện ổn định. Ông Bùi Văn Thành, xóm Trám Chất cho biết: "So với 5 năm trước, chất lượng điện đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện toàn tỉnh đạt 99,98%, 129/129 xã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hệ thống điện ngày càng hoàn thiện, tổn thất điện năng giảm rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.

Điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế

Không chỉ đảm bảo điện sinh hoạt, hệ thống lưới điện được đầu tư bài bản còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Việc cung cấp điện ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng ngành nghề mới và khai thác thế mạnh du lịch của từng địa phương.

Theo quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh có 8 KCN, trong đó 5 KCN đã có chủ đầu tư hạ tầng. Giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến bổ sung thêm 8 KCN. Ngoài ra, tỉnh có 38 CCN đã được tích hợp vào quy hoạch, phân bố rộng khắp các huyện, thành phố. Trong đó, 10 CCN đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng công suất điện đăng ký các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 đạt 252,6MW. Một số KCN, CCN tại các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi đã được quy hoạch với nhu cầu công suất và giai đoạn cấp điện. Tháng 1/2025, Công ty Điện lực Hòa Bình đóng điện Nhà máy xi măng Xuân Sơn; dự kiến đóng điện thêm Nhà máy xi măng Hoàng Long, Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện. Thời gian tới, dự kiến xây dựng Trạm biến áp 110KV Yên Quang tại KCN Yên Quang và tiếp tục xây dựng một số trạm biến áp, nâng công suất máy biến áp tại một số KCN khác trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc Công tyĐiện lực Hòa Bình thông tin: "Những năm qua, mỗi năm công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới hạ tầng lưới điện và cải tạo, nâng cấp lưới điện khu vực nông thôn. Nhờ đó, chất lượng điện năng được cải thiện đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đặc biệt, công ty chú trọng đầu tư hệ thống điện tại các KCN, CCN để đồng hành cùng tỉnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Đó là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và luôn được ngành điện ưu tiên”.

 

Tỉnh Hòa Bình hiện có 12 nhà máy thủy điện phát điện thương mại với tổng công suất gần 2.000MW và dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng công suất 480MW đang thi công. Lưới điện 110kV có 10 trạm, 16 máy biến áp với tổng công suất 509MW; hệ thống điện trung áp kết cấu mạch vòng với 56 xuất tuyến dài gần 2.760km; lưới điện hạ thế dài trên 4.586km.

Với tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư bài bản, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh từng bước hiện đại hóa, bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục. Qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tới.


Viết Đào