Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi): Tạo cơ chế đặc biệt cho các địa bàn khó khăn trong giữ chân người tài

Thứ tư, 14/5/2025 | 6:09:18 Chiều

Thảo luận tại hội trường chiều 14/5 về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, do điều kiện ngân sách hạn chế nên chính sách thu hút người tài ở các tỉnh miền núi vẫn chưa tạo đột phá trong việc giữ chân cán bộ, công chức ở lại cống hiến. Do đó, đối với địa bàn khó khăn nên có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các tỉnh bố trí nguồn lực thực hiện.


Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại hội trường.

Sớm thống nhất việc điều động, luân chuyển cán bộ với lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, qua các cuộc khảo sát về dự án Luật và tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, điều mà cử tri quan tâm, lo lắng chính là vấn đề quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng và chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương nơi cán bộ, công chức công tác để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sắp xếp, bố trí vị trí làm việc ở cấp xã mới theo quy định của Chính phủ.

Theo đại biểu, việc dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp (Điều 51) đối với cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính địa phương nơi cán bộ, công chức công tác theo quy định của Chính phủ tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ trong sắp xếp cán bộ cấp xã hiện nay. Đại biểu đề nghị sớm có hướng dẫn triển khai đồng bộ với lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thống nhất thực hiện.

Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tỉnh miền núi giúp giữ chân người tài

Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, tại khoản 1, Điều 5 quy định: Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện được thuận tiện, thống nhất, đề nghị dự thảo nên quy định khung tiêu chí xác định người có tài năng trong Luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện.

Thực tế thời gian qua, tại các địa phương khi triển khai thực hiện Nghị định số 140/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị định số 179 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người tài làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc thu hút cán bộ có tài năng vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị cũng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những tỉnh miền núi, vùng cao, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Dự thảo luật quy định "căn cứ vào quy định của Chính phủ và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, HĐND cấp tỉnh xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn và chính sách thu hút, trọng dụng người có tài”. Tuy nhiên, ở những tỉnh miền núi điều kiện ngân sách còn hạn chế, các chính sách đưa ra thu hút chưa thực sự có tính chất đột phá, rất khó thu hút được người có tài, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đại biểu khẳng định: "Nhiều trường hợp tuyển dụng được người có tài vào làm việc nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn mà không giữ chân được những cán bộ, công chức này ở lại lâu dài phục vụ cho tỉnh. Đây là vấn đề qua giám sát tại địa phương chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã thấy rất rõ”.

Do đó, đề nghị dự thảo cũng nên có quy định khung cứng chế độ chính sách đặc biệt do ngân sách Nhà nước hỗ trợ chung. Đối với các địa bàn khó khăn, ngân sách Trung ương có thể hỗ trợ để các địa phương có thể thực hiện tốt chính sách này hoặc tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các tỉnh liên quan đến bố trí nguồn lực để thực hiện. Như vậy mới có thể giữ chân người tài năng ở các tỉnh miền núi, vùng cao yên tâm ở lại cống hiến.

Bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện trong đánh giá công chức

Liên quan đến quy định đánh giá công chức tại Điều 29, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu thực tế: Thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn được coi là khâu khó nhất để đánh giá "đúng, trúng” về chất lượng đội ngũ cán bộ. Mặc dù đã có rất nhiều quy định chung về nội dung này, song thực tế triển khai vẫn không được như mong đợi.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, tinh thần phê và tự phê của đội ngũ cán bộ, công chức đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thiếu sự rèn luyện, nâng cao chất lượng trong việc giải quyết công vụ nhưng cuối năm tập thể, người đứng đầu vẫn không dám đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này gây khó khăn trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, dự thảo Luật lần này quy định việc đánh giá phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm theo yêu cầu vị trí việc làm... bảo đảm công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc quản lý, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí việc làm đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ để xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tuy nhiên, để đánh giá được kết quả sản phẩm của 1 cán bộ, công chức xuyên suốt, liên tục thì việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong 1 năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân, bảo đảm khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu.



Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình