Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Vốn chính sách - điểm tựa cho người lao động

Thứ ba, 20/5/2025 | 9:00:15 Sáng

Những năm qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh triển khai đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.


Vốn chính sách được truyền tải kịp thời, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh.Ảnh chụp tại xã Tử Nê (Tân Lạc). 

Là chương trình có quy mô tín dụng lớn nhất trong các chương trình đang được triển khai, cho vay GQVL đang tiếp thêm cơ hội sinh kế cho hàng nghìn hộ dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Từ đầu năm đến nay, tổng doanh số cho vay chương trình đạt trên 239 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho gần 3.900 lượt lao động. Đến hết tháng 4/2025, tổng dư nợ chương trình trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.146,8 tỷ đồng, với gần 23.000 khách hàng còn dư nợ.

Trước nhu cầu vay vốn ngày càng tăng, NHCSXH tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương. Tính đến nay, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã chuyển ủy thác sang NHCSXH 109 tỷ đồng, riêng chương trình GQVL đã giải ngân 104 tỷ đồng. Nguồn vốn này kịp thời hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, tự tạo việc làm ngay tại quê hương.

Ở xã Pà Cò (Mai Châu), anh Sùng A Màng được vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản. "Nhờ vốn chính sách, gia đình tôi đã chăn nuôi và bắt đầu có thu nhập. Vốn vay lãi suất thấp, lại được hướng dẫn cách sử dụng nên rất yên tâm”, anh Màng chia sẻ.

Tại xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc), chị Đinh Thị Nhung cũng được vay 50 triệu đồng để nuôi lợn. Trước đây, chồng chị phải đi làm ăn xa, nhưng từ khi có vốn chính sách, gia đình quyết định phát triển kinh tế tại quê nhà. "Nguồn vốn đến đúng lúc, giúp chúng tôi có điều kiện tái sản xuất. Đàn lợn phát triển tốt, vài tháng tới có thể xuất bán để xoay vòng vốn”, chị Nhung bày tỏ.

Cũng ở xóm Rên, anh Bùi Văn Trang là một trong những hộ mạnh dạn khởi nghiệp từ vốn chính sách. Cách đây vài năm, anh vay vốn mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Đến nay, cơ sở hoạt động ổn định, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho vài lao động trong xóm. "Ban đầu cũng lo vì thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ vốn vay lãi suất thấp tôi có động lực làm ăn. Giờ đã có lượng khách quen, việc kinh doanh dần ổn định”, anh Trang chia sẻ.

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay, sử dụng vốn đúng mục đích, kiểm tra sau vay và thu hồi nợ đúng hạn. Nhờ vậy, dòng vốn chính sách luôn được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và củng cố niềm tin của người dân.

Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc  mở rộng chương trình GQVL. Đây là minh chứng cho sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, tạo sinh kế, việc làm cho người dân. Trong bối cảnh lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, việc ưu tiên nguồn lực cho chương trình GQVL tiếp tục là giải pháp thiết thực, nhân văn và cần được duy trì lâu dài.


Viết Đào