Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Hạt dổi Thạch Yên - "ngọc đen" của núi rừng

Thứ ba, 13/12/2022 | 9:29:25 Sáng

(HBĐT) - Hạt dổi từ xưa được đồng bào các dân tộc trong tỉnh sử dụng làm gia vị chấm hoặc tẩm ướp các món ăn. Ở xã Thạch Yên (Cao Phong), tại vùng đất canh tác của gia đình ông Bùi Văn Tiến, xóm Ngái có khoảng 100 cây dổi mọc tự nhiên. Nắm bắt cơ hội, ông Tiến đã dồn lực đầu tư, chăm sóc và nhân rộng diện tích trồng dổi với hy vọng biến sản phẩm thành đặc sản chất lượng cao cung cấp ra thị trường.


Sản phẩm hạt dổi Thạch Yên (Cao Phong) được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Cây dổi thuộc dòng cây thân gỗ, cao trung bình khoảng 15 - 20 m, tán rộng cả chục mét. Loại cây này thường mọc ở những khu đồi thoáng, trong lành và nhiều ánh sáng. Từ xa xưa, người Mường, người Thái ở Hòa Bình đã sử dụng hạt dổi làm gia vị, tạo nên hương vị độc đáo cho những món ăn dân tộc. Thông thường, hạt dổi được dùng để chế biến đồ chấm hoặc tẩm ướp cho nguyên liệu các món ăn như thịt gà măng chua, thịt nướng, thịt luộc, cá nướng chấm hạt dổi, thịt trâu gác bếp... Những món ăn được kết hợp với hạt dổi có hương vị đặc biệt, cuốn hút thực khách, ăn một lần sẽ muốn ăn những lần tiếp theo, không gây ngán. Ngoài dùng làm gia vị, hạt dổi được sử dụng như một vị thuốc hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiêu hóa, dùng ngâm rượu làm thuốc xoa bóp chữa các bệnh về đau nhức, hoặc có thể uống như rượu thuốc với một lượng nhỏ vừa đủ mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.

Theo ông Bùi Văn Tiến, xóm Ngái, xã Thạch Yên cho biết, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về cây dổi, ông đã đến những vùng lân cận để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc cây theo phương pháp hữu cơ. Quy trình chăm sóc cũng không quá phức tạp, từ năm thứ 5 trở đi hầu như không phải bỏ công chăm sóc. Sau khi hái quả tươi mang phơi trực tiếp dưới nắng. Trong điều kiện nắng đều sau khoảng 1 tuần hạt dổi tươi từ màu đỏ chuyển sang màu đen là đạt yêu cầu. 

Mùa thu hoạch loại "ngọc đen” này kéo dài từ tháng 9 - 11, có cây cho thu hoạch tới 30 kg hạt khô. Với giá thị trường khoảng trên 2 triệu đồng/kg hạt khô, loại cây này được đánh giá có giá trị kinh tế cao và bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Không chỉ vậy, cây dổi còn cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ quý cho những ngôi nhà sàn kiên cố. Đối với sản phẩm hạt dổi Thạch Yên, hạt dổi khô được đóng lọ thủy tinh, trọng lượng 100g để bảo quản. Trên lọ ghi đầy đủ thông tin cơ sở sản xuất và dán tem kèm mã QR thuận tiện cho khách hàng truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm hạt dổi Thạch Yên đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020. Tuy nhiên, hạt dổi Thạch Yên được sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, vẫn chưa có sự liên kết trong sản xuất. Với giá bán 250.000 đồng/lọ 100g, từ đầu năm đến nay, gia đình ông Tiến mới tiêu thụ trên 10 kg hạt dổi khô, chủ yếu bán lẻ tại địa phương. Do đó, để nâng cao giá trị sản phẩm cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền trong phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ; tăng cường kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP để có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing…


T.H