Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Xã Bình Thanh nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Thứ năm, 11/7/2024 | 8:27:16 Sáng

Với sự tiếp sức của các chương trình, dự án cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã về đích nông thôn mới (NTM) từ năm 2022. Đây cũng là động lực để cán bộ, nhân dân phát huy kết quả đạt được, chung tay xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, tiến bộ.


Người lao động xã Bình Thanh (Cao Phong) được thu hút vào làm việc tại cơ sở may ở địa phương, đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống.

Đường về xóm Cáp đã được cứng hóa và mở rộng thuận tiện cho đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Thông qua nguồn vốn lồng ghép ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội địa bàn vùng đặc biệt khó khăn gắn với xây dựng NTM, xóm được đầu tư cơ bản về hạ tầng điện lưới, mạng viễn thông, nhà văn hóa phục vụ hội họp, sinh hoạt cộng đồng... Bên cạnh đó, người dân được hỗ trợ về vốn và các điều kiện vật chất khác để phát triển sản xuất, tạo nguồn sinh kế bền vững. 

Trưởng xóm Cáp Dương Tài Tuân phấn khởi cho biết: Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng NTM, cuộc sống của người dân trong xóm "thay da, đổi thịt”, mức bình quân thu nhập đầu người đến cuối năm 2023 không thua kém các xóm trong xã có xuất phát điểm cao hơn. Yếu tố quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy là hạ tầng giao thông được cải thiện giúp hàng hóa, nông sản bà con làm ra không còn tình trạng chậm tiêu thụ hay bị tư thương ép giá như trước. Các gia đình mạnh dạn vay vốn chính sách, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao giá trị. Một số hộ mở thêm cửa hàng tạp hóa, nhanh nhạy phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Xóm chỉ còn 1 hộ nghèo, hầu hết các gia đình đều có kinh tế ổn định.

Đối với các xóm có lợi thế diện tích mặt nước vùng hồ Hòa Bình, nhiều hộ tập trung phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là tại xóm Tráng. Anh Đinh Văn Linh, hộ tiên phong nuôi cá lồng ở xóm Tráng chia sẻ: Nguồn sinh kế chính của nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi từ nghề nuôi cá lồng bè thương phẩm. Trung bình mỗi năm các hộ thu lợi nhuận 100 - 200 triệu đồng. Qua thống kê xóm có 20 hộ nuôi với 58 lồng cá, chiếm 86,5% lồng cá toàn xã.

Xã Bình Thanh còn có điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ hấp dẫn du khách nhờ giữ được kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Mường, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp và người dân mến khách. Gắn với tiêu chí, tiêu chuẩn trong xây dựng NTM, xã đã thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng quy tụ 30 thành viên đã, đang tích cực phát triển sản phẩm du lịch theo Chương trình OCOP, kết hợp vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập thông qua cung cấp dịch vụ đón khách tham quan, lưu trú, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Các hộ làm du lịch cộng đồng tích cực kết nối tour, tuyến để mở rộng thị trường khách, hỗ trợ tiêu thụ đặc sản cho nông dân địa phương như: cá sông Đà, gà, lợn bản địa, các loại rau, củ, quả...       

Đồng chí Đinh Văn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Tính thiết thực, hiệu quả của CTMTQG xây dựng NTM là thay đổi rõ rệt diện mạo kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến cuối năm 2023, xã đạt bình quân thu nhập đầu người 40,5 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 24 hộ, chiếm 3,52%; hộ cận nghèo giảm còn 21 hộ, chiếm 3,08%. Cùng với việc được thụ hưởng chương trình NTM, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Trên địa bàn duy trì vùng sản xuất cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, VietGAP với tổng diện tích hơn 49 ha, trong đó có 42 ha cam, bưởi đang thời kỳ kinh doanh. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định với tổng đàn trên 32.000 con. Ngoài số lao động đi làm tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, hàng trăm lao động địa phương được thu hút vào làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may gia công, nuôi trồng thủy sản, du lịch nghỉ dưỡng đầu tư vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập. 


Bùi Minh