Hội viên nông dân thị trấn Cao Phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả
Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:42:09 Sáng
Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân huyện Cao Phong triển khai thực hiện hiệu quả, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương nông dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bà Bùi Thị Lan, khu 4, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chăm sóc vườn đào cảnh.
Nông dân Bùi Thị Lan, khu 4, thị trấn Cao Phong là một trong những tấm gương tiêu biểu với mô hình trồng đào cảnh cho hiệu quả kinh tế khá. Những năm gần đây, các vùng trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong bước vào chu kỳ tái canh, nhiều hộ giảm nguồn thu do phải cải tạo, tái thiết lại vườn. Gia đình bà Lan cũng vậy, do đó chuyển đối cơ cấu cây trồng, tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp là trăn trở lớn đối với bà để có thể tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Hơn nữa, việc thiếu vốn đầu tư cũng khiến bà Lan nhiều đêm mất ngủ. Năm 2021, được Hội Nông dân thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn về các chính sách tín dụng trên địa bàn, bà Lan mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để bắt tay vào chuyển đổi mô hình kinh tế của gia đình.
Với số vốn vay 50 triệu đồng và một khoản gia đình tích lũy được, bà Lan đã cải tạo lại đất vườn, đầu tư trồng 800 gốc đào phai và đào bích trên diện tích 5.000 m2. Bà Lan cho biết: Cây đào là biểu tượng, mang giá trị tinh thần không thể thiếu với mỗi gia đình trong dịp Tết đến, xuân về nên nhu cầu của người dân địa phương khá lớn. Hơn nữa, cây đào cảnh thời gian trồng đến khi thu hoạch chỉ trong vòng 1 năm, có thể sớm hồi vốn. Vì vậy tôi đã quyết định trồng đào cảnh để phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết cổ truyền.
Khi mới trồng đào cảnh, bà Lan gặp không ít khó khăn do chăm sóc cây chưa đúng cách. Nhờ sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân, bà đã tìm hiểu thêm các phương pháp chăm sóc cây đào từ những kênh thông tin về nông nghiệp để cây phát triển tốt nhất. Bà dành nhiều thời gian nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật, chú trọng cắt tỉa ngọn, uốn tạo dáng, tạo thế cho cây để có những cây đào đẹp mắt. Năm đầu tiên thực hiện mô hình trồng đào cảnh, lái buôn tới tận vườn thu mua, giá bán dao động từ 150.000 - 400.000 đồng/cây. Sau khi trừ các chi phí, kết thúc vụ đào, gia đình bà thu lãi khoảng 180 triệu đồng. Đến năm thứ 2, bà Lan tiếp tục mở rộng diện tích trồng đào cảnh lên 1ha với 1.700 gốc. Thị trường ổn định, nhu cầu người tiêu dùng không có biến động nên gia đình thu về trên 370 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng đào cảnh của bà còn tạo việc làm cho 4 lao động thời vụ, mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/ người/tháng.
Song song với chuyển đổi cây trồng sang loại cây mới cho giá trị kinh tế khá, bà Lan còn chăn nuôi gà thả vườn để tăng thu nhập. Được chăm sóc và phòng bệnh tốt, chất lượng thịt gà đảm bảo độ dai ngon, ngọt thịt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện, khu vực nuôi gà của gia đình có trên 300 con, là cơ sở cung cấp thịt và trứng gà thường xuyên cho các nhà hàng, các chợ trong và ngoài thị trấn. Với mô hình này, sau khi trả công cho người lao động và trừ các loại chi phí, mỗi năm bà Lan thu lãi 70 triệu đồng từ bán gà và trứng.
Đồng chí Bùi Thị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong cho biết: Có thể nói, hội viên nông dân Bùi Thị Lan là điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng thời cũng là tấm gương tiêu biểu trong việc sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách trong phát triển kinh tế tại địa phương. Mô hình phát triển kinh tế của bà Bùi Thị Lan cho thấy hiệu quả rõ rệt, không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động, mà còn có sức lan tỏa để người dân trên địa bàn thị trấn học tập. Từ đó nỗ lực thi đua lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thị trấn Cao Phong ngày càng phát triển.
Hải Đăng