Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong: Giữ bản sắc văn hóa từ phong trào văn nghệ quần chúng

Thứ sáu, 31/12/2021 | 10:31:52 Sáng

(HBĐT) - Từ lâu, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Cao Phong. Các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ được thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả đã khai thác những giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ người dân trong và ngoài huyện, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Các thành viên câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc xã Nam Phong (Cao Phong) tập luyện để có các tiết mục hay biểu diễn phục vụ người dân địa phương.

Đã thành thông lệ, vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, các thành viên CLB nhạc cụ dân tộc xã Nam Phong tề tựu tại nhà chủ nhiệm CLB để tập luyện hòa tấu các bản nhạc, những bài dân ca, dân vũ… Ông Bùi Văn Phúc, Chủ nhiệm CLB nhạc cụ dân tộc xã Nam Phong chia sẻ: Năm 2012, CLB được thành lập với 18 thành viên tham gia sinh hoạt. Đây đều là những người am hiểu, say mê ca hát, các điệu múa và nhạc cụ dân tộc, với mong muốn góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống. Thông qua các buổi sinh hoạt tạo điều kiện cho mọi người giao lưu, trò chuyện, tâm sự, tạo sự gắn kết, cùng trao đổi, hướng dẫn tập luyện các tiết mục văn nghệ, làn điệu dân ca, dân vũ…, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho bà con. Ngoài ra, những diễn viên, nghệ nhân nòng cốt ở các đội văn nghệ, CLB tiếp tục truyền dạy làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc cho các cháu nhỏ, đưa hoạt động văn nghệ của địa phương ngày càng phát triển.

Có thể thấy, nét nổi bật trong phong trào VNQC của huyện là có sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát, những nghệ nhân, người am hiểu về văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc, mong muốn lời ca, tiếng hát, điệu múa góp phần lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Ông Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian xóm Bưng 1, xã Thu Phong cho biết: CLB văn hóa dân gian được thành lập nhằm quy tụ và có sân chơi để những người đam mê nhạc cụ dân tộc, ca hát được cùng nhau tập luyện, sáng tác, biểu diễn nhạc cụ và các làn điệu dân ca Mường đến đông đảo người dân trong vùng. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương.

Đồng chí Bùi Văn Nhất, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 88 đội văn nghệ cơ sở, 6 CLB chiêng và hát dân ca Mường, CLB nhạc cụ dân tộc và 1 đội tuyên truyền lưu động của huyện. Phần lớn các CLB, đội văn nghệ đều chủ động nguồn kinh phí mua trang phục, nhạc cụ để tập luyện, biểu diễn. Đây là lực lượng nòng cốt thường xuyên phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống tinh thần của Nhân dân. Các CLB, đội VNQC hoạt động sôi nổi, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Vào những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương, các xã, thị trấn đều tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ chào mừng. Bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa do những diễn viên, nghệ nhân ở các địa phương biểu diễn tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đội VNQC phát triển, hoạt động có hiệu quả, huyện tăng cường cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp. Hàng năm, ngoài những đợt liên hoan, hội diễn, hội thi của huyện, các cơ quan, đơn vị cũng tổ chức nhiều buổi biểu diễn, liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, góp phần tích cực trong việc vận động toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Phong trào văn hóa, VNQC là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Để duy trì, phát triển phong trào VNQC, thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình các CLB, đội văn nghệ. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. 

Đỗ Hà