Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong: Thúc đẩy chương trình giảm nghèo bền vững

Thứ năm, 24/3/2022 | 11:16:34 Sáng

(HBĐT) - Với việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, gắn giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cao Phong giảm 3,58%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 3%/năm.


Hộ cận nghèo xóm Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) được hỗ trợ đầu tư sản xuất đã vươn lên mức sống trung bình khá.   

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững bắt đầu thực hiện tại địa phương từ năm 2018, đến nay có 3 mô hình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo nuôi bò sinh sản được triển khai. Tại xã Thạch Yên có 2 mô hình của giai đoạn 2019 - 2022 với 34 hộ tham gia, giai đoạn 2020 - 2023 với 32 hộ tham gia; 1 mô hình tại xã Thung Nai với 26 hộ dân tham gia của giai đoạn 2020 - 2023. Từ dự án đã tạo việc làm, giúp người dân địa bàn vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) phát triển sản xuất, góp phần cải thiện đời sống, đóng góp tích cực trong công cuộc giảm nghèo, phát triển KT-XH.

Theo đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xóm, xã ĐBKK, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người dân và cộng đồng trên địa bàn các xã ĐBKK là đối tượng được ưu tiên, hưởng lợi. Những năm qua, các dự án, tiểu dự án, hoạt động của chương trình được triển khai đảm bảo tiến độ. Tiêu biểu là Chương trình 135 đã làm thay đổi đáng kể diện mạo cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã vùng khó khăn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư, hoàn thiện. Chương trình đã huy động nguồn kinh phí trên 43 tỷ đồng thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo chung được tổ chức, thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2021, chính sách tín dụng ưu đãi đã giải quyết cho 3.218 lượt hộ nghèo, 1.592 hộ cận nghèo, 648 hộ mới thoát nghèo vay tổng số vốn trên 177 tỷ đồng. 100% hộ thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo được khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Trên 14.000 lượt người nghèo, 92.232 lượt người dân tộc thiểu số vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, ĐBKK, trên 3.000 lượt người thuộc hộ cận nghèo, 347 người Kinh sống ở vùng 135 được cấp miễn phí thẻ BHYT. Ngoài ra, hộ nghèo còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ ăn Tết, chính sách dạy nghề, tạo việc làm, ưu đãi giáo dục, hỗ trợ về nhà ở và trợ giúp pháp lý. Đến nay, có 8.521 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, 5.106 lao động nông thôn được đào tạo nghề miễn phí, 268 hộ được hỗ trợ xây mới nhà ở… Các chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ. Hàng năm đã kêu gọi, huy động nguồn xã hội hóa tặng hàng nghìn suất quà Tết cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Qua kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2002 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 5,33%, giảm 3,17% so với năm 2020, đạt 150,25% kế hoạch tỉnh giao. Những năm tiếp theo, huyện phấn đấu duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3% mỗi năm. Tăng cường nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Bảo đảm thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo. 100% hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn được xét duyệt cho vay phát triển sản xuất. Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến hộ nghèo, người nghèo, người có thu nhập thấp. Hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 900 lao động nông thôn. 

 Bùi Minh