Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Nước sạch nông thôn, người dân Cao Phong chờ đến bao giờ ?

Thứ sáu, 1/7/2022 | 8:58:19 Sáng

(HBĐT) - Năm 2016, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được triển khai, thời gian kết thúc là năm 2021. Huyện Cao Phong là 1 trong 5 địa phương trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ chương trình. Tuy nhiên, gần 7 tháng sau khi chương trình kết thúc, người dân vẫn chưa có nước sạch để sử dụng.


May mắn khoan được giếng có nước, gia đình chị Phạm Thị Liên, phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) giờ không còn quá bận tâm đến nguồn nước sạch do Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh cung cấp.

Không còn đủ kiên nhẫn để chờ nguồn nước sạch theo hợp đồng đã ký, gần 1 tháng trước, gia đình chị Phạm Thị Liên, phố Bằng, xã Tây Phong đã phải vay tiền để khoan giếng lấy nước sử dụng. 45 triệu đồng là tổng trị giá của giếng khoan sau khi hoàn thiện, số tiền đáng lẽ chị không cần phải chạy vạy vay mượn. Chị chia sẻ: Trước đây, gia đình phải đi xin hoặc mua nước từ nhà hàng xóm. Tuy nhiên, gần đây, nguồn nước khan hiếm hơn. Đắn đo, suy nghĩ nhiều lần, gia đình tôi quyết định vay tiền để khoan giếng. Xót tiền lắm, nhưng nếu không làm sẽ không có nước để sinh hoạt.

Trên địa bàn huyện có 6 xóm thuộc 2 xã là: Trang Trên, Trang Giữa, Trang Trong, Quyền, Cạn Hạ (Hợp Phong) và phố Bằng (Tây Phong) nằm trong vùng được hưởng lợi với tổng số 980 hộ.

 Anh Bùi Văn Ại, xóm Trang Giữa, xã Hợp Phong không giấu được bức xúc: Trước Tết Nguyên đán 2022, mọi người ai cũng tưởng sắp có nước sạch. Khi không thấy có nước, hỏi chính quyền xóm, xã không ai nắm được. Chúng tôi chỉ có bản hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt có sẵn chữ ký và con dấu do đơn vị cung cấp nước gửi. Trên đó có 2 số điện thoại bàn nhưng cả 2 số đều không liên lạc được. Đồng hồ nước đã được lắp đặt tại nhà tôi mấy tháng nay nhưng nước sạch vẫn chưa có. Gia đình vẫn phải sử dụng nguồn nước tự chảy.

Tuy nhiên, không phải hộ dân nào đã ký hợp đồng cũng "may mắn” được lắp đặt đồng hồ nước như gia đình anh Ại. Chị Phạm Thị Mừng, phố Bằng, xã Tây Phong cho biết: Gia đình tôi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp nước sạch từ trước nhưng lại không được lắp đặt đồng hồ nước. Trong khi đó, có hộ dân ở xã Nam Phong không nằm trong vùng được hưởng lợi và chưa ký hợp đồng lại được lắp đồng hồ.

Bức xúc trước sự chậm trễ và tắc trách trên, người dân nhiều lần kiến nghị song chưa có kết quả. Ông Lê Hồng Cường, Trưởng phố Bằng, xã Tây Phong cho hay: Chương trình nhằm mục đích phục vụ người dân vùng khó khăn về nguồn nước được tiếp cận với nước sạch. Đến nay, riêng địa bàn phố Bằng có gần 70% hộ dân đã đào hoặc khoan giếng có nước. Tôi nghi ngại về tính khả thi của chương trình này sau khi được cấp nước.

Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMT) tỉnh làm chủ đầu tư, mục tiêu nhằm tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn. Lãnh đạo huyện Cao Phong không nắm được thông tin cụ thể của chương trình này và hoàn toàn bất ngờ trước câu hỏi của cử tri xã Tây Phong trong buổi tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 80 cử tri cụm xã Tây Phong - thị trấn Cao Phong được tổ chức ngày 10/6/2021.

Sau nhiều lần liên hệ, đồng chí Đặng Trung Thành, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh mới cung cấp thông tin cho biết, nguyên nhân chính của sự chậm trễ trên do Công ty CP nước sạch Hòa Bình thay đổi giá bán. Hiện, đơn vị đã báo cáo vấn đề và xin ý kiến của UBND tỉnh. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đơn giá, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh sẽ ký hợp đồng mua nước với Công ty CP nước sạch Hòa Bình để bán cho nhân dân.

Với cách triển khai và thực hiện còn nhiều vướng mắc, không rõ đến bao giờ người dân tại các xóm vùng được hưởng lợi của huyện Cao Phong sẽ có nước sạch để sử dụng? Xin đừng đánh mất niềm tin nơi người dân.

 Minh Tuấn
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Cao Phong)