Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường

Thứ năm, 3/11/2022 | 11:06:17 Sáng

(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Cao Phong có 3 dân tộc chính cùng sinh sống là Mường, Kinh, Dao. Trong đó, dân tộc Mường đông hơn cả với 72% tổng dân số. Cùng với phát triển KT-XH, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống (VHTT) các dân tộc, đặc biệt là văn hoá dân tộc Mường.


Đội văn nghệ xóm Quáng Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) luyện tập chiêng nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường.

Theo đồng chí Phạm Ngọc Nhất, Trưởng phòng VH-TT huyện, dòng chảy cuộc sống hiện đại khiến không ít giá trị VHTT đứng trước nguy cơ mai một. Cũng như các vùng Mường khác, các nét đẹp về nhà sàn, trang phục, phong tục tập quán trong Nhân dân… phai nhạt dần. Từ những năm trước đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, huyện đã xây dựng đề án về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá - thể thao các dân tộc giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2015. Đến nay, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc VHTT tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh.

Các giải pháp được huyện chú trọng là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí đối với sự nghiệp văn hoá, thể thao, thông tin và hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá. Huy động toàn dân tham gia xây dựng, phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2018, lễ hội khai mùa Mường Thàng tại xã Dũng Phong được phục dựng với quy mô cấp huyện. Các ngành liên quan quan tâm tổ chức truyền dạy chiêng Mường, hát thường đang, bộ mẹng cho thế hệ trẻ. Việc giữ gìn, phát huy giá trị VHTT được kết hợp với tổ chức thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Tiếp nối những nỗ lực bảo tồn văn hoá, những năm gần đây, huyện Cao Phong đã khôi phục, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu khác, gồm lễ hội chùa Khánh (xã Thạch Yên), lễ hội chùa Quèn Ang (xã Hợp Phong), lễ hội rước nước tại đền Bồng Lai, lễ hội Bà chúa Mường tại đền Bồng Lai, đền Đông Sơn (thị trấn Cao Phong). Toàn huyện lưu giữ được 1.600 chiêng Mường, trong đó có 405 chiêng cổ. Một số xóm, bản thuộc các xã Hợp Phong, Thạch Yên, Dũng Phong, Bình Thanh vẫn giữ được kiến trúc nhà sàn Mường. Bên cạnh đó, việc bảo tồn trang phục truyền thống được quan tâm tuyên truyền, phát động và khích lệ. Ở một số xã như Thạch Yên, Hợp Phong, phụ nữ vẫn sử dụng khá thường xuyên trang phục váy Mường trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Trong lễ kỷ niệm hay vào dịp lễ hội, biểu diễn văn nghệ, mặc trang phục dân tộc Mường được khuyến khích.

Bên cạnh đó, huyện tích cực bảo tồn các giá trị Văn hoá tiêu biểu khác, như di tích gắn với sự tích Vườn hoa núi Cối ở xã Hợp Phong; di tích lịch sử cách mạng anh hùng Cù Chính Lan thuộc xã Bình Thanh, di tích đền Bờ thuộc xã Thung Nai… Cao Phong đã thành lập câu lạc bộ Mo Mường cấp huyện với 35 thành viên là các nghệ nhân tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Mo Mường. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ bảo tồn văn hoá phát triển rộng khắp. Huyện đang triển khai Đề án bảo tồn di sản văn hoá, xây dựng không gian bảo tồn di sản văn hoá Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả chương trình bảo tồn, phát huy giá trị VHTT gắn với phát triển du lịch; quan tâm đưa nét đẹp, bản sắc văn hoá vào các lễ hội nhằm quảng bá, thu hút sự quan tâm của du khách.
         

Bùi Minh