Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Nét riêng du lịch cộng đồng bản Mỗ

Thứ bảy, 1/4/2023 | 11:05:27 Sáng

(HBĐT) - So với các điểm đến du lịch cộng đồng khác trên khu du lịch hồ Hoà Bình, bản Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) hình thành sớm hơn. Cho đến hiện tại, bản vẫn giữ được vẻ đẹp riêng có, là điểm du lịch cộng đồng nhiều sức hút đối với du khách, chốn dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tạm lánh nơi phố thị náo nhiệt, ồn ào.



Du khách khám phá cuộc sống đời thường bình dị gắn với sản xuất nông nghiệp của người dân bản Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). 

Nằm hiền hoà dưới chân núi Mỗ, cách TP Hoà Bình 12 km đi lên đường Tây Tiến, nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm đến hấp dẫn: bản sắc văn hoá đậm nét truyền thống, cảnh quan tươi đẹp, giao thông thuận tiện. Trong không gian yên bình của thung lũng là những nếp nhà sàn thấp thoáng trên sườn đồi. Phía trước bản là những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau chuyển màu theo mùa vụ. Phía sau bản là cánh đồng với dòng suối chảy bao quanh, xa xa là rừng cây, dải núi trải dài. Cũng bởi vẻ đẹp có thể nhìn ngắm trong tầm mắt mà du khách yêu thích và ấn tượng với bản Mỗ ngay khi đến lần đầu.

Vừa có chuyến trải nghiệm 2 ngày 1 đêm tại bản Mỗ, anh Trần Anh Tuấn (du khách Hà Nội) chia sẻ: Đoàn chúng tôi có 16 người là nhóm anh em, bạn bè chung sở thích đi du lịch cùng nhau. Ngay khi xe ô tô tiến vào điểm đỗ, chúng tôi đã kịp quan sát bản Mường trước mắt mang vẻ đẹp yên ả và bị thu hút bởi kiến trúc nhà sàn truyền thống kiểu nhà rùa. Càng thú vị hơn khi được dạo bước trên con đường nhỏ vào bản, thăm quan đồng lúa xanh rì, dòng suối mát trong. Chúng tôi cũng có dịp tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt thường ngày, phong tục tập quán của người dân, cảm giác vui và vô cùng thoải mái khi được hít thở bầu không khí trong lành, đón nhận sự cởi mở, thân thiện của bà con.

Cũng trong chương trình trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Mỗ, du khách được tìm hiểu cách bà con dệt nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng tay, thực hành các thao tác xay lúa, giã gạo bằng sức nước, đan lát đồ gia dụng; thưởng thức các món ăn đặc trưng ẩm thực xứ Mường như: xôi đồ, chả cuốn lá bưởi, gà đồi, thịt lợn bày trên lá chuối, cá ốt, rau đồ, nộm hoa chuối rừng... Bên cạnh đó, những câu chuyện kể đầy cuốn hút về xứ Mường xưa, các làn điệu dân ca của các chàng trai, cô gái hoà cùng tiếng sáo ôi da diết vừa giúp du khách khám phá thêm những nét tinh hoa văn hoá dân tộc, vừa có thêm niềm vui cũng như giải toả những căng thẳng, muộn phiền.

Chị Bùi Thị Chiều, một trong những hộ đón khách lưu trú ở bản cho biết: Bản Mỗ có hơn 100 hộ dân đều là người Mường, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Những nếp nhà sàn cổ là điểm nổi bật tạo sức hút đặc biệt cho bản. Nhà sàn cũng gắn liền với phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của người dân. Ở đây, bà con còn giữ được nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ làm từ tre, gỗ, nứa như khung dệt vải, cung, nỏ… giúp tăng thêm các trải nghiệm và du khách có thể tham gia mọi hoạt động cùng người dân nếu muốn.

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng khá lâu, bản Mỗ vẫn giữ chân được nhiều du khách nhờ bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nếp nhà sàn, nét sinh hoạt văn hoá Mường. Lưu trú tại bản, du khách sống giữa khung cảnh thiên nhiên cao rộng, hoang sơ, khám phá văn hoá bản địa. Du khách cũng dễ dàng nối dài hành trình trải nghiệm, kết hợp khám phá thêm những điểm đến gần, như Tượng đài chiến công Anh hùng Cù Chính Lan, Bảo tàng không gian văn hoá Mường, di chuyển lên cảng Thung Nai để thăm quan, vãn cảnh tại các điểm du lịch văn hoá, du lịch tâm linh trên vùng hồ Hoà Bình nên thơ, hùng vĩ.  

Bùi Minh