Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Sức sống Thu Phong

Thứ hai, 1/5/2023 | 10:44:12 Sáng

(HBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử, xã Thu Phong (Cao Phong) phấn khởi khoác lên mình tấm áo rực rỡ của ngày hè. Nắng vàng tô thắm hơn những lá cờ Tổ quốc tung bay trước cửa nhà. Người dân nơi đây tự hào nhớ lại chiến công oanh liệt khi xưa: Vào ngày 20/7/1966, 5 dân quân xã Thu Phong dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ.


Cán bộ Ban CHQS huyện Cao Phong động viên gia đình tân binh xã Thu Phong trước ngày lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. 

5 dân quân xã trực tiếp chiến đấu và bắn rơi máy bay F105 của địch là: Bùi Văn Kệnh, Nguyễn Thế Ngung, Đoàn Đức Tính, Nguyễn Tấn Thanh, Bùi Văn Láy. Chiến công này được miêu tả trong cuốn sách "Một số trận đánh điển hình của quân và dân tỉnh Hòa Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975)” như sau: 

"15 giờ ngày 20/7/1966, hai chiếc máy bay F105 nối đuôi nhau bay từ phía Tây Bắc tới. Chúng phát hiện một chiếc ô tô của Công ty vận tải Hòa Bình đang dừng ở đỉnh dốc Cun, 2 chiếc máy bay liền bay vòng trở lại bổ nhào bắn một loạt đạn vào ô tô. Ngay lập tức, đồng chí Bùi Văn Kệnh - Xã đội phó đang trực chỉ huy chiến đấu tại Ủy ban Hành chính xã hô lớn: "Ai có súng, về công sự chiến đấu theo mệnh lệnh tôi”. Các dân quân xã gồm: Nguyễn Thế Ngung, Đoàn Đức Tính, Nguyễn Tấn Thanh, Bùi Văn Láy đang nhổ mạ đã nhanh nhẹn cơ động về vị trí giao thông hào triển khai đội hình chiến đấu theo các phương án đã được luyện tập. Quan sát đường bay của máy bay địch, đồng chí Kệnh ra lệnh nổ súng loạt đầu nhưng không chính xác. Sau khi rút kinh nghiệm chiến đấu, các chiến sĩ dân quân sửa lại tư thế, kiểm tra lại thước ngắm. Đồng chí Tính động viên: "Tổ chiến đấu của chúng ta toàn là cán bộ và đảng viên, chúng ta quyết tiêu diệt lũ giặc trời để bảo vệ các xóm nhỏ, trả thù cho đồng bào miền Nam”.

Một lúc sau, 2 chiếc máy bay lại kéo đến. Chúng liều lĩnh bay rất thấp. Đồng chí Kệnh ra lệnh cho anh em tập trung bắn chiếc đi đầu. Từ máy bay, địch bắn tới tấp đạn 12 ly về phía trận địa. Các chiến sĩ dân quân vẫn bình tĩnh chờ đúng tầm. Khi chiếc máy bay đi đầu vừa chạm ngọn bương vật chuẩn, đồng chí Kệnh hô: "Chính diện bắn”. Sau loạt đạn, chiếc máy bay trúng đạn tạo một vệt khói đen kéo dài, đâm xuống phía dốc Cun (cách trận địa 1.500 m) tạo tiếng nổ lớn, làm rung chuyển cả núi rừng…”.

Ông Bùi Văn Kệnh ở xóm Thá là nhân chứng lịch sử, nhớ rất rõ ký ức khi xưa đã cùng 4 dân quân xã bắn  rơi máy bay Mỹ qua hai loạt súng trường. "Ta bắn hai loạt tiêu thụ hết 10 viên đạn, người và vũ khí an toàn. Còn địch bị bắn cháy 1 chiếc máy   bay F105, nâng tổng số máy bay    của Mỹ bị quân và dân tỉnh Hòa Bình bắn rơi lên 3 chiếc. Đây là chiến  thắng có ý nghĩa quan trọng, cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân trong xã, trong huyện và toàn tỉnh, củng cố niềm tin vào chiến thắng   cuối cùng của cuộc kháng chiến…” - Câu chuyện này thường được ông Bùi Văn Kệnh tự hào kể lại với con cháu, họ hàng, làng xóm; đồng thời là câu chuyện đi vào lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Thu Phong.

Trở lại thời điểm năm 1966, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi cả nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân quân xã Thu Phong đã tập trung đông đủ tại nhà đồng chí Bùi Văn Chiêm, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã để lắng nghe lời kêu gọi của Bác. Sau đó, Đảng bộ xã phát động phong trào đánh Mỹ cứu nước với phương châm: "Lấy đồng ruộng, nương rẫy làm chiến hào! Tay cày, tay súng! Mỹ đến thì đánh, Mỹ chạy thì cuốc”. Khẩu hiệu "Cuốc, cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương” đã trở thành phương châm hành động của xã. Với chiến công oanh liệt dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ, LLVT xã Thu Phong được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng ba và tặng Huân chương Chiến công hạng ba cho tổ dân quân trực tiếp lập công. Tháng 10/2010, xã Thu Phong vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Đồng chí Bùi Thanh Thiệu, Chủ tịch UBND xã Thu Phong giới thiệu: Thu Phong là địa bàn nằm trong vùng chiến khu cách mạng Cao Phong - Thạch Yên. Trong thời chiến, người dân anh dũng tay cày, tay súng thì trong thời bình, họ hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp công sức xây dựng quê hương. Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay, Thu Phong luôn là một trong những địa phương của huyện đi đầu trong công cuộc xây dựng NTM, phát triển KT-XH. Trong đó, xã thực hiện tốt việc kêu gọi công dân lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đảng bộ xã đặc biệt quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời phát động triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước. 

Nhờ triển khai đồng bộ giải pháp phát triển KT-XH, năm 2015, xã Thu Phong đã đạt chuẩn NTM, năm 2021 được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện nay, xã có khoảng 70% dân số là dân tộc Mường, đời sống của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Trên hành trình mới, xã phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Định hướng đến năm 2025, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành quản lý của chính quyền, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để quyết tâm xây dựng xã Thu Phong giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống quê hương anh hùng cách mạng.


Khánh An