Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thứ tư, 8/5/2024 | 8:19:22 Sáng

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.


Điểm sạt lở ở xóm Cạn Thượng, xã Hợp Phong (Cao Phong) thường trực nguy cơ xảy ra sạt lở đất đồi.

Chiều và đêm 20/4 vừa qua, trên địa bàn huyện Cao Phong xảy ra giông lốc mạnh. Đặc biệt sét đánh đã làm chết 2 con trâu và hư hỏng hệ thống điện, thiết bị điện của gia đình bà Bùi Thị Dần ở xóm Cạn Thượng, xã Hợp Phong; ước thiệt hại ban đầu khoảng 60 triệu đồng. Đây là sự việc bất ngờ mà từ nhiều năm nay ít xảy ra ở Cao Phong. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Phong cho biết: Hôm đó trời chỉ chuyển mưa nhỏ rồi sấm chớp. Không ngờ có sét đánh làm thiệt hại đến tài sản của người dân. Đây như lời cảnh báo về thiên tai có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, chỗ nào. Sau khi sự việc, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự xã, huyện đã đến hiện trường tìm hiểu sự việc, thống kê thiệt hại và động viên gia đình. Đồng thời tuyên truyền đến người dân triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, lũ bão bất thường xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm 2024 khả năng diễn biến bất thường, khó lường, có thể xuất hiện nhiều trận mưa lớn. Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa đá, giông lốc. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Huyện Cao Phong có 9 xã, 1 thị trấn được chia làm ba vùng: vùng núi cao, vùng ven sông Đà và vùng giữa. Do số lượng ngầm tràn trên địa bàn huyện còn nhiều nên khi có lũ nhiều thôn xóm bị chia cắt trong một vài giờ đến 1 ngày. Trên địa bàn huyện có 2 tuyến tỉnh lộ là 435 và 444; tuyến quốc lộ 12B và quốc lộ 6 đã tạo thành những trục giao thông chạy dọc qua các xã, thị trấn vùng tập trung dân cư. Tuyến đường chính là quốc lộ 6 nên việc đi lại giữa các xã trên địa bàn huyện cũng như giữa Cao Phong và các huyện, thành phố lân cận sẽ khó khăn nếu trên tuyến đường này xảy ra sạt lở khi có thiên tai. Trên địa bàn huyện có các điểm trọng yếu dễ xảy ra lũ lụt và sạt lở là các ngầm và điểm sạt lở xóm Ong, xã Nam Phong, xóm Cạn Thượng, xã Hợp Phong… 

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão năm 2024, UBND huyện Cao Phong đã xây dựng Phương án PCTT&TKCN. Theo đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự cấp huyện, xã được thành lập, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Vào đầu mùa mưa bão, Ban chỉ huy thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai của địa phương. Phân công các thành viên phụ trách từng xóm, khu dân cư, phân công lực lượng chốt trực tại các điểm xung yếu. Các xã, thị trấn đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai tại địa phương, các khu vực dân cư. Hàng năm, Ban chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự các cấp tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai và nhận định tình hình thiên tai, cũng như phân công nhiệm vụ các đơn vị liên quan khi có tình huống xảy ra. Khi có dự báo sớm thiên tai, Ban chỉ huy cấp huyện có công văn gửi Ban chỉ huy cấp xã tổ chức trực ban 24/24h theo dõi, bám sát diễn biến của thời tiết, chỉ đạo của cấp trên để có các phương án ứng phó kịp thời. 


Việt Lâm