Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong

Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Thứ hai, 2/9/2024 | 6:58:57 Chiều

Không chỉ là minh chứng của các cuộc kháng chiến, những di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh được lưu giữ đến ngày nay là những "địa chỉ đỏ” về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.


Đoàn viên, thanh niên xóm Quà, xã Thạch Yên (Cao Phong) ôn lại truyền thống cách mạng tại nhà truyền thống Chiến khu Thạch Yên.

Những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi trở lại khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên, xã Thạch Yên (Cao Phong). Thời kỳ tiền khởi nghĩa (tháng 8/1945), khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên là 1 trong 4 khu căn cứ cách mạng của tỉnh, nằm trong hệ thống chiến khu Hòa - Ninh - Thanh do Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Với những giá trị lịch sử đặc biệt được lưu giữ trọn vẹn đến nay, nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1996, thắp sáng niềm tự hào trong trái tim những người con yêu nước, trở thành truyền thống cách mạng được tiếp nối từ đời này sang đời khác, làm rạng danh mảnh đất Thạch Yên.

Đồng chí Bùi Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, những năm qua, Thạch Yên không ngừng phát triển. Đảng bộ, chính quyền và người dân chung sức, đồng lòng trên hành trình xây dựng nông thôn mới, quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, thách thức để vươn lên. Từ một xã nghèo, xuất phát điểm thấp, xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 30 triệu đồng/năm; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học; 100% người dân được cấp thẻ BHYT; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chiến khu Giằng Sèo tại xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc) trải qua 79 năm đã chứng kiến bao dấu mốc lịch sử, là địa chỉ đỏ để lớp lớp thanh niên tri ân, ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông, cùng học tập và tiến bước. Ngược dòng lịch sử, tháng 2/1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển mạnh mẽ cùng với xây dựng chiến khu. Đồng chí Vũ Thơ khi ấy giữ chức vụ Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình đã trực tiếp về vùng, mở khóa huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh tại xóm Giằng Sèo (thuộc xã Tu Lý cũ), xây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng tại địa bàn. Đồng bào người dân tộc Mường, Tày ở Đà Bắc cũng đã hiểu về cách mạng, ra sức che chở, đùm bọc và bảo vệ lớp học, đảm bảo tổ chức an toàn, bí mật.

Sau khi được học về tình hình cách mạng trên thế giới, chương trình và điều lệ Việt Minh, tập huấn về cách đánh du kích, chế tạo vũ khí… 19 học viên đã nhanh chóng trưởng thành, phát triển các đội tự vệ cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Những ngày huấn luyện đã tạo thanh thế Việt Minh càng cao, tiếng tăm lan truyền làm cho các hào lý run sợ, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng, tiếp tục gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Đến nay, nhiều người trong hàng ngũ đã không còn nhưng giá trị không vì thế mà phai nhạt. Qua lời kể, lớp trẻ được sinh ra trong thời bình không khỏi xúc động, tự hào về những năm tháng hào hùng, càng thêm hiểu biết, trân trọng giá trị lịch sử, từ đó phát huy tinh thần xung kích, góp sức xây dựng quê hương.

Em Bùi Thị Hương, xóm Sèo, xã Cao Sơn cho biết: Thông qua những chiến công được khắc trên bia đá tại chiến khu và lời kể của những người lớn tuổi, em rất tự hào về ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trước "mưa bom bão đạn” của kẻ thù trong những năm kháng chiến. Em sẽ cố gắng học tập thật giỏi, vâng lời cha mẹ, thầy cô, luôn ghi nhớ công lao của thế hệ cha anh đi trước bằng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, để sau này có những việc làm thiết thực góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương, đất nước.

Các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh như: Khu căn cứ cách mạng Mường Diềm, xã Trung Thành (Đà Bắc), Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan, xã Bình Thanh (Cao Phong)… không chỉ là điểm đến tham quan, tìm hiểu của du khách mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển KT-XH, giữ vững AN-QP địa phương.


Nguyễn Hoàng