Trong những năm qua, huyện Cao Phong chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa không chỉ trong đời sống mà còn trong chính trị và kinh tế. Đây là 1 trong 6 nhiệm vụ quan trọng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ XVII và XVIII đề ra, nhằm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Xây dựng văn hóa gắn với phát triển bền vững
Đồng chí Nguyễn Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong nhấn mạnh: "Nhận thức được vai trò then chốt của văn hóa đối với sự phát triển KT-XH và củng cố hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền huyện đã đưa nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trở thành một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị”. Sự phát triển văn hóa không chỉ nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn là tiền đề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã được đề ra trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện.
Huyện chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát huy vai trò người đứng đầu, gương mẫu trong thực hiện các chuẩn mực ứng xử và đạo đức nghề nghiệp. Đồng chí Bùi Đăng Nhị, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Yên chia sẻ: "Xã đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Những phẩm chất "Cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư" đã được học tập và thực hiện, tạo ra nhiều mô hình, phong trào hiệu quả”. Xã có trên 90% hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”, 11/12 xóm đạt chuẩn văn hóa.
Đồng chí Đinh Bá Cầm, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện cho biết: Công tác quản lý nhà nước về văn hóa tại huyện Cao Phong được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo, tự do sáng tác trong khuôn khổ định hướng của Đảng. Đời sống văn hóa, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, góp phần ngăn chặn các luồng văn hóa độc hại xâm nhập vào đời sống nhân dân. Hiện, toàn huyện có 88 đội văn nghệ/88 xóm, khu dân cư; 4 câu lạc bộ hát thường đang, bộ mẹng; 100% xóm, khu dân cư có nhà văn hóa; lưu giữ trên 1.600 chiếc chiêng...
Động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Huyện Cao Phong chú trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc bằng nhiều hình thức, như thông qua lễ hội truyền thống và các khu di tích lịch sử - văn hóa. Một số lễ hội quan trọng được tổ chức định kỳ như: lễ khai xuân tại chùa Khánh (xã Thạch Yên), chùa Quèn Ang (xã Hợp Phong), đền Bờ (xã Thung Nai), lễ khai mùa Mường Thàng (xã Dũng Phong).
Trong năm 2023, huyện Cao Phong phối hợp Bảo tàng tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thành công chương trình trưng bày hiện vật lịch sử với chủ đề "Lịch sử Hòa Bình từ năm 1886 - 1975”, thu hút khoảng 5.000 lượt khách tham quan trong 7 ngày. Ngoài ra, huyện triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mo Mường qua các hoạt động tập huấn, hội thảo và lễ hội văn hóa. Thông qua các hoạt động, lễ hội được tổ chức không chỉ là dịp để người dân thể hiện niềm tự hào dân tộc, mà còn thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương, tạo động lực phát triển KT-XH.
Đồng chí Nguyễn Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Các lễ hội và hoạt động văn hóa được tổ chức hàng năm đã thu hút lượng lớn du khách, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Các lễ hội truyền thống không chỉ là dịp để quảng bá văn hóa dân tộc, mà còn là điểm nhấn giúp phát triển kinh tế du lịch, đồng thời giáo dục, động viên nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng xã hội văn minh và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, huyện Cao Phong tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa gắn liền với các nhiệm vụ phát triển KT-XH, qua đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.