Huyện ủy, UBND huyện Tân Lạc

Huyện Tân Lạc: Nhiều khó khăn trong quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở

Thứ bảy, 20/11/2021 | 6:48:35 Chiều

(HBĐT) - Trong thời gian qua, tại huyện Tân Lạc, các thiết chế văn hóa cơ sở đã góp phần tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Ðảng, Nhà nước; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh sáp nhập các xóm, bản, nhiều nhà văn hóa (NVH) không đáp ứng được hoạt động sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư (KDC).


Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhiều nhà văn hóa trên địa bàn huyện Tân Lạc phải cơi nới, nâng cấp, mở rộng. Ảnh chụp tại nhà văn hóa xóm Tân Lập, xã Lỗ Sơn.

Toàn huyện có 159 KDC, trong đó có 149 KDC có NVH, 10 KDC chưa có NVH. Trên địa bàn hiện có 179 NVH KDC (cả số NVH ở các xóm, bản đã sáp nhập). Nhiều NVH KDC do xây dựng lâu (nhà sàn gỗ) xuống cấp nghiêm trọng, diện tích xây dựng chưa đạt chuẩn theo quy định, vị trí NVH sau sáp nhập chưa thật thuận tiện cho người dân sinh hoạt.

Theo đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng Phòng VH-TT huyện: Thuận lợi đối với huyện là trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã có 16/16 xã, thị trấn hoàn thành tiêu chí số 1 về quy hoạch, trong đó có quy hoạch quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao (TCVH-TT) tại cơ sở. Hiện nay, 100% KDC có các trang thiết bị cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Hầu hết trang thiết bị của NVH KDC do Nhân dân tự đóng góp mua sắm như: Hệ thống trang âm, bàn, ghế, khánh tiết, các trang thiết bị khác…

Thiết chế văn hóa cơ sở góp phần nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho Nhân dân, vì vậy, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo ngành văn hóa hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở thôn, KDC. Hàng năm, Phòng VH-TT huyện triển khai hướng dẫn cơ sở phát huy hiệu quả của các TCVH-TT thôn, KDC; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát việc sử dụng các TCVH-TT trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, theo rà soát của Phòng VH-TT huyện, từ khi huyện thực hiện sáp nhập các thôn, làng, bản, KDC theo quy định, nên có những thôn, KDC có 2 NVH nhưng không đủ diện tích để sinh hoạt, hội họp. Nguồn kinh phí xây dựng NVH các xóm do Nhân dân đóng góp, không có kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất còn thiếu. Hệ thống điểm vui chơi dành cho người cao tuổi, trẻ em và TCVH-TT dành cho người dân tại các thôn chưa được đầu tư. Toàn huyện hiện có 1 điểm vui chơi cho trẻ em tại xóm Vó, xã Phú Cường do Tỉnh Đoàn tặng.

"Đến nay, tỉnh chưa ban hành quy chế hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động, quản lý trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản… ở cơ sở, dẫn đến công tác quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa nhiều lúng túng. Kinh phí đầu tư xây dựng các TCVH-TT chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, ngân sách Nhà nước và địa phương rất ít. Kinh phí dành cho hoạt động văn hóa ít, không đủ để tổ chức các hoạt động. Công tác quy hoạch, xây dựng các TCVH-TT còn thiếu tính liên kết” - đồng chí Đinh Sơn Tùng phân tích thêm.

Từ thực tế đó, theo đồng chí Trưởng Phòng VH-TT huyện, để phát huy được giá trị của các thiết chế văn hóa cơ sở, tỉnh cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý chung đối với các TCVH-TT cơ sở, tránh tình trạng thiếu thống nhất như hiện nay. Có cơ chế khuyến khích phát huy tính tự chủ trong quản lý, khai thác, sử dụng các TCVH-TT như NVH, sân vận động ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có. Cần tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở nâng cao năng lực công tác, tăng cường chỉ đạo về nội dung hoạt động cho trung tâm văn hóa - thể thao xã; nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, KDC.


Đinh Hòa