Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Tài sản trí tuệ - “của để dành” cho thương hiệu bản địa

Chủ nhật, 6/4/2025 | 10:12:42 Sáng

Ở huyện Cao Phong, người trồng cam từng tự hào gọi trái cam vàng óng của mình là "vàng ròng trên cành lá”. Một thời, cam Cao Phong là niềm kiêu hãnh của Hòa Bình không chỉ vì vị ngọt, mà vì đây là thương hiệu nông sản đầu tiên của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2024, UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển quyền quản lý chỉ dẫn địa lý "Cao Phong” về cho UBND huyện, đây là bước điều chỉnh nhằm phù hợp với Nghị định số 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ và thực tiễn triển khai tại cơ sở.


Gian hàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Trị (huyện Yên Thủy) tại Hội chợ xúc tiến thương mại tổ chức ở Hà Nội, giới thiệu các sản phẩm OCOP được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, góp phần lan tỏa giá trị tài sản trí tuệ nông sản địa phương.

Cam Cao Phong vẫn ngọt, vẫn thơm, nhưng việc chuyển giao quyền quản lý đặt ra yêu cầu cấp thiết: nếu không đi kèm năng lực thực thi, kinh phí, kiểm soát chất lượng, hướng dẫn tem nhãn... thì tem nhãn pháp lý dù còn, nhưng giá trị thương hiệu ngoài thị trường có thể mờ nhạt dần.

Câu chuyện cam Cao Phong không phải là cá biệt. Trong bức tranh chung của nông sản Hòa Bình, tài sản trí tuệ đang trở thành "của để dành” quý giá, song nếu không biết gìn giữ và khai thác, nó có thể trở thành gánh nặng pháp lý, thậm chí là "bức tường vô hình” cản trở sản phẩm bước ra thị trường lớn.

Trong hành trình hiện thực hóa Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Hòa Bình không phải là tỉnh đi đầu, nhưng lại là một trong những địa phương cho thấy sự nghiêm túc, bài bản và kiên trì. Đằng sau những văn bằng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là cả một hệ thống chính sách được lồng ghép xuyên suốt các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh từ OCOP, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hàng hóa cho đến đổi mới sáng tạo và du lịch cộng đồng.

Tính đến năm 2024, toàn tỉnh Hòa Bình đã có hơn 400 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó nổi bật là 31 nhãn hiệu chứng nhận, 20 nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý - một con số không nhỏ nếu đặt trong tương quan với điều kiện xuất phát điểm của một tỉnh miền núi. Các sản phẩm được bảo hộ đều mang sắc thái bản địa rõ nét như: Cơm lam Mường Động, cá dầm xanh Mai Châu, gà đen Pà Cò, chè Lương Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc… Đây là những cái tên không chỉ đại diện cho nông sản, mà còn đại diện cho những vùng đất. Chưa dừng ở đó, Hòa Bình bắt đầu bước ra khỏi "vùng an toàn” khi đưa du lịch cộng đồng Đà Bắc vào quy trình đăng ký nhãn hiệu chứng nhận - một tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức về tài sản trí tuệ đang được mở rộng ra khỏi phạm vi vật chất hữu hình, lan sang cả dịch vụ và trải nghiệm bản sắc.

Công tác tuyên truyền, đào tạo cũng được đẩy mạnh hơn trước. Năm 2024, các sở, ngành đã tổ chức hàng chục hội nghị, tập huấn về sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bảo hộ nhãn hiệu, marketing sản phẩm OCOP... Bên cạnh đó, tỉnh duy trì và vận hành Trạm khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (IPPlatform), thường xuyên cập nhật dữ liệu lên sàn thương mại điện tử tỉnh, góp phần nâng tầm năng lực số cho sản phẩm địa phương.

Dù đã có bước tiến đáng kể, nhưng quá trình triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ tại Hòa Bình vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Báo cáo của UBND tỉnh đã chỉ rõ: Việc sử dụng nhãn hiệu còn hình thức, thiếu quy chế vận hành; khó khăn trong kiểm soát tem nhãn, truy xuất nguồn gốc và sự thiếu đồng bộ trong quản lý tài sản trí tuệ công. Bên cạnh đó là bài toán về kinh phí và nhân lực; "điểm trũng” về nhận thức…

Trong bối cảnh tài sản trí tuệ ngày càng trở thành một chỉ số năng lực cạnh tranh mềm của địa phương, theo các chuyên gia, Hòa Bình cần một chiến lược sâu hơn, mạnh tay hơn, không chỉ dừng lại ở số lượng văn bằng hay danh sách sản phẩm được bảo hộ. Điều cần thiết lúc này là tái cấu trúc toàn bộ "vòng đời” của một tài sản trí tuệ, từ khâu xác lập quyền đến khai thác, quản lý và tái đầu tư trở lại cho cộng đồng sở hữu.

Trước hết, cần xây dựng và ban hành quy chế thống nhất về quản lý tài sản trí tuệ công, đặc biệt là nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý gắn với địa phương. Quy chế trả lời được ba câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm quản lý? Ai được quyền sử dụng? Và sử dụng thế nào cho đúng để không làm tổn thương thương hiệu. Việc giao quyền quản lý về cho cấp huyện như trường hợp cam Cao Phong là hợp lý về mặt phân cấp, nhưng nếu không có bộ khung pháp lý rõ ràng, rủi ro "mạnh ai nấy làm” là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tiếp đó, cũng theo các chuyên gia, tỉnh cần đầu tư xây dựng năng lực vận hành tài sản trí tuệ ở cấp cơ sở. Hợp tác xã, chủ thể OCOP, doanh nghiệp nhỏ - những người trực tiếp làm nên chất lượng sản phẩm cũng phải là người hiểu rõ cách sử dụng nhãn hiệu, tem truy xuất, hệ thống giám sát và quan trọng hơn là giá trị mà tài sản trí tuệ có thể mang lại. Đào tạo họ không chỉ là phổ biến luật, mà là trao công cụ để họ tự bảo vệ thương hiệu của mình.

Tài sản trí tuệ không chỉ là một tấm bằng bảo hộ. Nó là lời cam kết giữa người làm ra sản phẩm với chính mảnh đất của mình, rằng họ sẽ giữ gìn, nâng niu và đưa nó đi xa hơn mỗi ngày. Vấn đề không nằm ở việc Hòa Bình có bao nhiêu nhãn hiệu, mà là có bao nhiêu cái tên thực sự sống được trong lòng thị trường. Muốn thế, mỗi thương hiệu cần được trao quyền sống, chứ không chỉ được cấp phép tồn tại.

Minh Vũ