Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Xã Tự Do tìm hướng thoát nghèo

Thứ năm, 4/5/2023 | 9:48:17 Sáng

(HBĐT)-Là địa bàn "thâm sơn cùng cốc”, xã Tự Do (Lạc Sơn) gặp nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững. Xã có 5 xóm: Mu Khướng, Kháy Mòn, Cối Cáo, Sát, Rì với 610 hộ, dân tộc Mường chiếm trên 98%. Đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 23 triệu đồng, hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 60%.


Ngoài ao cá, gia đình anh Bùi Văn Độ ở xóm Sát, xã Tự Do (Lạc Sơn) chưa có nguồn sinh kế bền vững để thoát nghèo. 

Đường lên xóm Sát đã mở rộng thêm nhưng vì là đường đất, dốc dài và cao nên chúng tôi phải đi bộ chừng 20 phút mới tới được nhà anh Bùi Văn Độ, chủ hộ thuộc diện hộ nghèo. Trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, vật dụng không có gì đáng giá. Bà Bùi Thị Năng, mẹ anh Độ chia sẻ: Vì điều kiện đất đai canh tác hạn chế, con cái ở độ tuổi lao động nhưng việc làm không ổn định nên gia đình tôi vẫn loay hoay chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Hiện nay, nguồn sống của cả nhà trông vào mảnh ruộng và ao cá nhỏ. Cấy lúa 2 vụ, nếu được mùa thì tạm đủ ăn, có năm năng suất kém phải nhận hỗ trợ lương thực mùa giáp hạt của Nhà nước. Chiếc ao cạnh nhà được gia đình nuôi giống cá dầm xanh, thi thoảng có khách đến mua lẻ 1-2 con, nhiều nhất được 10 con. 

Dựa vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, có danh thắng thác Mu và nét văn hoá dân tộc Mường đặc sắc, một số hộ dân ở xóm Mu Khướng và xóm Sát phát triển loại hình homestay đón khách thăm quan và lưu trú. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chỉ tập trung vào mùa nắng nóng, lượng khách nội địa là chủ yếu. Đặc biệt, trong và sau thời điểm bùng phát dịch Covid-19, các homestay ở 2 xóm hạn chế nguồn khách nước ngoài. Với 12 cơ sở homestay hoạt động đã và đang tạo việc làm thời vụ cho gần 100 lao động, bao gồm cả thành viên đội văn nghệ, hướng dẫn viên bản địa.

Đồng chí Bùi Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là nghề chính của người dân nơi đây. Diện tích ngô, lúa đạt gần 300 ha nhưng năng suất tương đối thấp, trong đó năng suất lúa 36 tạ/ha, ngô 37 tạ/ha. Việc chuyển đổi trồng các loại rau, màu có giá trị kinh tế cao hơn ở một số xóm còn khó khăn do thiếu nước tưới. Về chăn nuôi, toàn xã có trên 1.000 con trâu, bò, 875 con lợn, 27.000 con gia cầm, 80 đàn ong mật. Mặc dù đường sá vùng cao đã có sự cải thiện hơn nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm của bà con vẫn chưa hết trở ngại. Hàng hoá làm ra được mua với giá rẻ, bấp bênh, có thời điểm bị tồn đọng. Cùng với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn thành lập hợp tác xã du lịch thác Mu từ cuối năm 2022, thu hút 19 thành viên tham gia. Tuy nhiên, xã chưa có sản phẩm OCOP được công nhận. 

Cũng theo đồng chí Bùi Văn Thịnh, xã mới đạt 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí thu nhập và hộ nghèo vẫn là tiêu chí khó đạt. Mục tiêu, hướng đi để giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững cho Nhân dân được địa phương xác định là phát triển du lịch cộng đồng gắn với thúc đẩy tiêu thụ một số sản phẩm đặc sản bản địa do bà con sản xuất ra. Hai trong số các sản phẩm được UBND xã bước đầu lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP gồm cá dầm xanh và vịt cổ xanh. Hiện nay, toàn xã có hơn 100 hộ có ao nuôi cá dầm xanh, trên 70 hộ nuôi vịt cổ xanh, đa số hộ chăn nuôi quy mô gia đình. Cùng với xây dựng sản phẩm OCOP, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích hộ dân đầu tư để tăng tổng đàn, đồng thời duy trì phương thức chăn nuôi dân dã để từng bước phát triển kinh tế hộ, tiến tới xây dựng sản phẩm chủ lực vịt cổ xanh, cá dầm xanh bản địa.  

Bùi Minh