Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn: Ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại

Thứ tư, 13/7/2022 | 9:53:51 Sáng

(HBĐT) - Đó là mục tiêu huyện Lạc Sơn nỗ lực phấn đấu nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của Nhân dân. Lý giải nguyên nhân hệ thống hạ tầng của huyện còn yếu kém và lạc hậu, đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện bộc bạch: Điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, trong khi việc đầu tư hạ tầng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và thực hiện trong một thời gian dài.


Đường QH 4 thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) được khẩn trương thi công, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và giảm tải giao thông nội thị.

 

Với mạng lưới giao thông rộng khắp, đa số các tuyến đường do huyện, xã quản lý đã được kiên cố, bê tông hoá nhưng nhìn chung nhỏ hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu giao thông ngày càng tăng. Huyện có 1 đô thị loại V là thị trấn Vụ Bản. Sau sáp nhập, với quy mô dân số trên 9.500 người, cơ sở hạ tầng đô thị thị trấn còn hạn chế, khu nội thị chủ yếu bám theo trục quốc lộ 12B và một số tuyến nhánh nhỏ rẽ ngang, chưa có các tuyến đường lớn, khu dân cư (KDC) và hệ thống điện, chiếu sáng, nước, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao văn minh, hiện đại. Trên địa bàn có 188 hồ, đập, nhiều hồ, đập đã xuống cấp, nhiều nơi kênh mương, giao thông nội đồng chưa được kiên cố hoá.

Về hạ tầng cơ sở vật chất trường, lớp học tuy được đầu tư khá cơ bản nhưng vẫn còn thiếu phòng học cục bộ. Một số trường, lớp học do xây dựng từ lâu nên xuống cấp, trang thiết bị dạy, học thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở nhiều trạm y tế tuyến xã xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Huyện có nhà văn hoá trung tâm, sân vận động; các xã, xóm đều có nhà văn hoá, sân vận động, sân thể thao nhưng quy mô, chất lượng, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Hạ tầng điện, nước, viễn thông… được cung cấp bởi các doanh nghiệp ở phạm vi hẹp, chất lượng chưa cao.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, chỉ có phát triển hệ thống hạ tầng tốt mới có thể phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị công nghiệp là động lực cho phát triển. Huyện coi trọng việc mở mới các tuyến giao thông, nhất là các tuyến đường, khu đô thị mới, kết hợp với bảo trì, bảo dưỡng, tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có. Ưu tiên nguồn lực cho các công trình mở mới mang tính trọng điểm, tạo đột phá cho phát triển KT-XH của vùng, khu vực. Đa dạng hoá huy động các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện đặt mục tiêu mở mới 31,5 km, sửa chữa, nâng cấp 221 km đường giao thông; có 33 KDC đô thị mới gắn liền với kết cấu hạ tầng văn minh, hiện đại; 36 trạm biến áp làm mới, 26,51 km đường dây trung thế và 31,01 km đường dây hạ thế được làm mới hoặc thay thế; 8 KDC được sử dụng nước máy; xây dựng, hoàn thành khu xử lý rác thải tập trung cho toàn huyện; hệ thống viễn thông đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu của nhân dân; xây mới 15 nhà văn hoá xã, 3 trạm y tế, sửa chữa, cải tạo 4 trạm y tế. Các giải pháp được tập trung triển khai: Nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Ưu tiên nguồn vốn do T.Ư, tỉnh hỗ trợ cho các công trình trọng điểm, nhất là các công trình có quy mô lớn như quốc lộ 12B, đường 12C, đường 436, đường 437, hồ Cánh Tạng, đường tránh thị trấn Vụ Bản, đường mở rộng phía Nam thị trấn Vụ Bản, đường thị trấn Vụ Bản - xã Quý Hoà, đường nối đường Hồ Chí Minh với khu công nghiệp Hương Nhượng, Tân Mỹ… Tranh thủ nguồn vốn đầu tư tư nhân để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm, khu công nghiệp tại vùng Đại Đồng, xã Tân Mỹ, Hương Nhượng, khu Yên Nghiệp, Đầm Đuống. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, quan tâm đầu tư công trình hạ tầng quy mô nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong dân đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn…

Bùi Minh