Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn phát triển sản phẩm OCOP

Thứ tư, 22/3/2023 | 9:56:27 Sáng

(HBĐT) - Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lạc Sơn hiện có 10 sản phẩm của 10 chủ thể được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.


Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh Trần Đình Lâm, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) tiêu thụ mạnh trên thị trường trong, ngoài tỉnh.

Trong năm 2022, huyện có 4 sản phẩm được công nhận, gồm: thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh Trần Đình Lâm, phố Lâm Hoá, xã Vũ Bình; rượu cần Mường Khói của hộ kinh doanh Bùi Văn Hảo, đội 5, xã Ân Nghĩa; mật ong Thành An của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An, xóm Đồi Cả, xã Mỹ Thành; sim rừng Phương Bắc của Công ty TNHH Phương Bắc, xóm Cỏ, xã Mỹ Thành.

Chị Quách Thị Hoà, Giám đốc HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, xã Hương Nhượng chia sẻ: Là 1 trong 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được công nhận từ năm 2019, gà đồi Hương Nhượng đã nắm bắt cơ hội để khẳng định về chất lượng, thương hiệu sản phẩm và ngày càng mở rộng thị trường. Riêng sản phẩm OCOP thịt gà đóng gói hút chân không của HTX luôn đảm bảo mức giá cạnh tranh, là nhà cung cấp uy tín cho chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn, huyện đã xây dựng và xuất bản ấn phẩm xúc tiến thương mại, video clip để giới thiệu về từng loại sản phẩm OCOP, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tổ chức các lớp tập huấn chương trình OCOP cấp huyện. Hàng năm, triển khai tuyên truyền chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải và cập nhật thường xuyên thông tin, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện của T.Ư, của tỉnh. Mới đây, UBND huyện hỗ trợ 2 gian hàng tại chợ trung tâm thị trấn Vụ Bản để các chủ thể giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng nội, ngoại tỉnh.

Đồng chí Bùi Văn Kía, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Chương trình phát triển sản phẩm OCOP nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở, sự hưởng ứng, tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tạo điều kiện cho một số đơn vị sản xuất ra hàng hoá đặc trưng, lợi thế, chất lượng. Các HTX, hộ kinh doanh, chủ thể của các sản phẩm OCOP tiêu biểu như: HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo với sản phẩm hạt dổi; HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Phú Lương với sản phẩm ớt rẽ; hộ kinh doanh Bùi Văn Nhưng ở xã Nhân Nghĩa với sản phẩm tinh bột nghệ Nhưng Vần; hộ kinh doanh Trần Đình Lâm ở phố Lâm Hoá, xã Vũ Lâm với sản phẩm thịt chua Lâm Tin… đã đóng góp vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Có thực tế là hiện nay việc triển khai, thực hiện phát triển sản phẩm OCOP còn gặp những khó khăn, vướng mắc: Hệ thống tổ chức, thực hiện chương trình OCOP chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương; hồ sơ thủ tục chuẩn hoá còn phức tạp; sản phẩm tham gia đa phần là nhóm sản phẩm quy mô nhỏ, chưa đa dạng về chủng loại, chưa có tính chuyên biệt cao dẫn đến khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục; việc áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến còn khó khăn…

Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, huyện đang tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn, trong đó tăng cường chỉ đạo mỗi xã lựa chọn phát triển ít nhất 1 sản phẩm, ưu tiên sản phẩm truyền thống, đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP theo tiêu chí đã ban hành; tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu về lợi ích của việc phát triển sản phẩm OCOP, trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP đến với du khách trong và ngoài tỉnh khi đến huyện thăm quan, du lịch; UBND huyện bố trí ngân sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trong toàn huyện, phấn đấu mỗi năm xây dựng 5 sản phẩm trở lên.


Bùi Minh