Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Huyện Lạc Sơn: Tích cực triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em

Thứ hai, 6/6/2022 | 9:55:27 Sáng

(HBĐT) - Trẻ em hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, bước vào kỳ nghỉ hè cũng là thời điểm các em cần nhiều hơn sự quan tâm, chăm sóc từ cấp uỷ, chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường và cả cộng đồng. Theo đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, địa bàn rộng, giao thông đi lại ở một số vùng không thuận lợi, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.


Đoàn xã Vũ Bình (Lạc Sơn) phối hợp mở lớp dạy bơi nhằm trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em dịp hè.

Toàn huyện hiện có trên 36.300 trẻ em, trong đó có 17.407 trẻ em nữ, 18.931 trẻ em nam. Từ năm 2021 đến hết quý I/2022, trên địa bàn có 1 trường hợp trẻ em bị xâm hại, 24 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 13 trẻ tử vong; 253 trẻ có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh những lo ngại về tình trạng trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích, vấn đề xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn, thiếu các điểm vui chơi, hình thức giải trí phù hợp. Thêm vào đó, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng, loại hình.

Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, 24/24 xã, thị trấn đã thành lập, kiện toàn, phân công chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong Ban bảo vệ trẻ em cấp xã, có quy chế hoạt động cụ thể. 100% xã, thị trấn bố trí người làm công tác trẻ em theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, các ban, ngành, đoàn thể huyện đã phối hợp tổ chức 2 cuộc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em được chú trọng. Năm 2021 đã truyền thông, hướng dẫn cho trên 20.000 gia đình về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra truyền thông rộng rãi trong cộng đồng về trách nhiệm thông tin khi trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, tinh thần. Trong quý I/2022 đã triển khai 4 cuộc tuyên truyền theo kế hoạch. Ban điều hành công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện tiến hành thí điểm bản cam kết bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng 2 xã Vũ Bình, Xuất Hoá. Qua đó, 3.687 hộ gia đình tham gia thực hiện cam kết.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định: Mặc dù trẻ em đang được quan tâm nhiều hơn về quyền, được tạo điều kiện phát triển đầy đủ về thể chất, nhiều em được hưởng chính sách hỗ trợ… nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện KT-XH ở địa phương, cơ sở vật chất, khu vui chơi trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong dịp hè. Một bộ phận gia đình nghèo, thiếu việc làm, thu nhập thấp, chất lượng cuộc sống chưa đảm bảo. Trong quý II/2022, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề xã hội. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội, các ban, ngành, đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đối với việc hỗ trợ, can thiệp trẻ bị xâm hại, trẻ có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tăng cường phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại. Phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận thông tin tội phạm hoặc đơn trình báo của người bị hại, gia đình bị hại, xử lý thông tin ban đầu. Ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với các địa phương mở lớp dạy kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích…

Bùi Minh