Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Nhịp sống nơi “cổng trời” Mường Vang

Thứ hai, 1/5/2023 | 6:22:50 Chiều

(HBĐT) - Sau hơn 3 năm tôi mới có dịp trở lại 3 xã vùng cao Tự Do, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn của huyện Lạc Sơn. Nhiều người ví nơi đây là "cổng trời” nối giữa trời và đất của Lạc Sơn. Cảm nhận đầu tiên là cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản. Con đường từ xã Tân Mỹ và thị trấn Vụ Bản lên xã Tự Do được trải nhựa phẳng lỳ. Khoảng cách vùng thấp - vùng cao của huyện ngày càng rút ngắn. Nhân dân và chính quyền đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Những con đường bê tông rộng rãi nối đến tận các xóm vùng cao. Bà con đã tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Đường đi đến đâu, đói nghèo, lạc hậu theo đó bị đẩy lùi.


Từ một người làm nông nghiệp, chị Quách Thị Thức ở xóm Mu Khướng, xã Tự Do (Lạc Sơn) đã quen với việc đón tiếp du khách đến nghỉ dưỡng tại homestay của gia đình.

Đồng chí Bùi Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tự Do cho hay: Ngày trước, đường sá giữa Tự Do và các xã vùng cao xuống trung tâm huyện rất khó khăn. Việc phát triển kinh tế gặp trở ngại. Giờ đây, đường lên xã và các xóm đã được bê tông hóa. Tư thương tìm đến Tự Do ngày càng nhiều, một số doanh nghiệp cũng đã "ngắm” đến để đầu tư.

Với ưu thế được thiên nhiên ưu đãi, xã có thác Mu thuận lợi cho phát triển du lịch, mỗi năm thu hút hàng nghìn khách trong và ngoài nước. 12 gia đình đã bỏ vốn đầu tư xây dựng homestay. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu từ du lịch của xã năm 2022 đạt trên 1 tỷ đồng. Khi có khách du lịch đến bà con cũng thay đổi tư duy. Họ không còn phát đồi làm nương mà tập trung sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để phục vụ du khách.

Bà Bùi Thị Năng ở xóm Sát, xã Tự Do cho biết: Từ hơn 30 năm nay, bà con trong xóm đã nuôi cá dầm xanh. Những năm trước nuôi cá chỉ để tiêu dùng, từ khi có khách du lịch thì đây là món ăn không thể thiếu ở các homestay, được du khách yêu thích. Cũng từ đó nhiều hộ mở rộng ao nuôi, sản phẩm trở thành hàng hóa và là nguồn thu nhập chính của một số hộ. Ngoài cá dầm xanh, có hộ đầu tư nuôi vịt cổ xanh. Khách du lịch đến đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Cuộc sống của bà con nơi đây dần thay đổi. Đến nay, xã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Bùi Văn Thịnh cho biết thêm: Trong những năm tới, xã Tự Do xác định du lịch sẽ là mũi nhọn phát triển KT-XH địa phương. Chúng tôi chú trọng phát triển du lịch gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên, bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là điểm "hút” khách của các xã vùng cao.

Thăm homestay của chị Quách Thị Thức ở xóm Mu Khướng, chúng tôi nhận thấy rõ việc gìn giữ thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những điểm mạnh để phát triển du lịch. Ngay từ đầu ngõ đến các phòng nghỉ, khuôn viên đều sử dụng vật liệu tự nhiên như đất, đá, lá cọ, nhà sàn gỗ cổ mộc mạc. Chị Thức chia sẻ: Khi thiết kế và xây dựng, tôi tận dụng tối đa nguyên vật liệu có tại địa phương, tránh việc "bê tông hóa”. Căn nhà này khách nước ngoài rất thích và ưu tiên chọn nghỉ ở đây.

Tuy không có nhiều lợi thế về phát triển du lịch như ở xã Tự Do, song xã Ngọc Sơn lại khai thác thế mạnh riêng để phát triển kinh tế. Với địa hình ở độ cao nhất trong các xã vùng cao của huyện, khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, Nhân dân tập trung phát triển các loại cây mía tím, ngô, lạc. Đây là những cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Hiện một doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư trồng 5,2 ha rau sạch để xuất khẩu. Dự án này tạo việc làm cho gần 50 lao động có thu nhập thường xuyên, ổn định.

Đồng chí Bùi Văn Lợi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngọc Sơn cho biết: Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt trên 40 triệu đồng/người. Xã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã, Ngọc Sơn sẽ về đích nông thôn mới.

Theo định hướng phát triển KT-XH của huyện Lạc Sơn, kế hoạch đến năm 2025, các điểm du lịch Đồi Thung - xã Quý Hòa, thác Mu - xã Tự Do, bãi Bùi - xã Ngọc Lâu, không gian văn hóa Mường xã Yên Phú được đưa vào khai thác. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Đến năm 2030 đưa vào khai thác các điểm du lịch hồ Cánh Tạng, thảo nguyên xanh xã Miền Đồi. Đây là những lợi thế cho các xã vùng cao phát triển KT-XH từ khai thác du lịch. Với những kết quả bước đầu trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao huyện Lạc Sơn là tiền đề quan trọng để rút ngắn khoảng cách vùng cao với vùng thấp ở Mường Vang.


Việt Lâm