Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Xã Thành Sơn tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 27/7/2024 | 10:49:54 Sáng

Thành Sơn là xã đặc biệt khó khăn được sáp nhập từ 3 xã vùng cao của huyện Mai Châu. Xã cơ bản là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 60%, dân tộc Mường chiếm hơn 30%. Thực hiện chính sách dân tộc, trong 2 năm qua, Thành Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đồng bào dân tộc nơi đây tiếp cận giống, vốn, khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, ổn định kinh tế.


Tham gia lớp đào tạo nghề du lịch cộng đồng, nhiều hộ ở xã Thành Sơn (Mai Châu) đã mạnh dạn đầu tư homestay để phát triển kinh tế.

Là vùng núi cao có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ và văn hoá bản địa độc đáo,Thành Sơn xác định du lịch cộng đồng là một trong những thế mạnh của địa phương. Từ năm 2018, UBND xã vận động một số hộ dân trên địa bàn xây dựng homestay mở dịch vụ du lịch cộng đồng. Để hỗ trợ các hộ, xã phối hợp các phòng chức năng của huyện mở lớp đào tạo nghề kỹ năng quản lý du lịch cộng đồng tại xã. Lớp đào tạo có thời hạn 3 tháng với những kiến thức thực tế về lễ tân, phục vụ, quảng bá thương hiệu, tổ chức hoạt động trải nghiệm thu hút hơn 30 học viên đăng ký theo học.

Chị Hà Thị Bích, xóm Nà Phặtlà học viên lớp đào tạo nghề cho biết: Sau khi học xong, tôi đã có nhiều kiến thức bổ ích để quản lý homestay của gia đình. Tôi nắm được nhiều kiến thức về lễ tân, phục vụ buồng phòng cũng như có thể tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch khi đến với homestay và quảng bá hoạt động du lịch trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút khách.

Hiện nay, trên địa bàn xã Thành Sơn có 3 điểm du lịch cộng đồng và một số doanh nghiệp liên kết với các hộ dân địa phương làm du lịch. Trung bình lượng khách đến với Thành Sơn khoảng 1,7 nghìn người/ năm, trong đó có cả du khách nước ngoài. Đồng chí Hà Văn Lơ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Du lịch cộng đồng mở ra nhiều cơ hội cho các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành Sơn. Mô hình này không chỉ giúp các hộ ổn định kinh tế mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Thành Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững, UBND xã làm chủ đầu tư đã hỗ trợ 50 con bò lai cho các hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, có 26 con bò lai đã sinh sản và tiếp tục được chuyển cho các hộ trên địa bàn. Ngoài ra, xã được phân bổ hơn 200 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với nguồn lực được phân bổ, xã tập trung hỗ trợ bà con nâng cao hiệu quả, mở rộng diện tích một số cây trồng chủ lực như ngô lai, lạc và cây thế mạnh là tỏi tía, khoai sọ, khoai lang... Đến nay, toàn xã có 12 ha tỏi tía, 28 ha khoai lang, khoai sọ, 900 ha ngô và 150 ha lạc.

Theo đồng chí Hà Văn Lơ, Phó Chủ tịch UBND xã, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo sinh kế cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo. Bởi thực tế, song song với việc hỗ trợ con giống, hỗ trợ vốn, các chương trình này đã hỗ trợ để người dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và cách thức quản lý. Vì vậy, từ sự hỗ trợ ban đầu, nhiều hộ đã tìm được hướng đi trong phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, Thành Sơn đã tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nguồn phân bổ các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ năm 2023 đến nay, Thành Sơn được phân bổ hơn 8 tỷ đồng, xã đã đầu tư duy tu, bảo dưỡng 3 tuyến đường giao thông nông thôn, tiếp tục đầu tư bảo dưỡng đường ống nước sinh hoạt tại các xóm và hỗ trợ trang thiết bị nhà văn hoá cho 9 xóm. Với những nỗ lực trong chỉ đạo phát triển KT-XH, đời sống nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trung bình hàng năm giảm từ 2 - 3%, an ninh nông thôn được bảo đảm. 


Phương Linh