Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn

Xã Mỹ Thành dồn lực giảm nghèo bền vững

Thứ tư, 16/10/2024 | 9:26:38 Sáng

Cuộc sống của gia đình bà Bùi Thị Hoa ở xóm Riệc, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) ổn định hơn nhờ được hỗ trợ con giống từ dự án đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững. Bà Hoa phấn khởi cho biết: Con bò sinh sản của gia đình được dự án cấp từ cuối năm 2023. Chỉ sau gần 1 năm chăm sóc, bò mẹ đã đẻ 1 bê con. Việc được "trao cần câu” cùng sự quan tâm từ các chính sách khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số là động lực để gia đình tôi vươn lên, có điều kiện thoát nghèo.




Bà Bùi Thị Hoa ở xóm Riệc, xã Mỹ Thành chăm sóc bò mẹ vừa sinh bê con trong dự án đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo.

Hộ bà Bùi Thị Hoa ở xóm Riệc là 1 trong 42 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của xã tham gia mô hình giảm nghèo năm 2023. Bên cạnh nguồn sinh kế, nhiều hộ trên địa bàn được hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, tư liệu sản xuất, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ nguồn CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm, dự án đã cấp 201 téc nước, 140 máy nông cụ (máy bừa, máy xát gạo, nghiền cám…) và phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể mở hàng chục lớp nghề sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi dê, nuôi ong lấy mật…

Đồng chí Quách Văn Hiệu, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành cho biết: Xã có 9 xóm, 994 hộ với trên 4.600 nhân khẩu, 98% dân số là người Mường, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đến năm 2023 chiếm hơn 58%. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo và huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Trong giai đoạn này, xã nhận được sự quan tâm, trợ giúp thiết thực từ chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đưa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã Mỹ Thành còn 25,51%, giảm 5,99%; hộ cận nghèo còn 25,3%, giảm 1,61% so với năm 2023. 3 CTMTQG: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tác động quan trọng cải thiện hạ tầng, trợ giúp sinh kế tại địa phương. Trong năm, xã được đầu tư trên 5 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn; thực hiện hợp phần duy tu đối với các công trình dân sinh xuống cấp với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng; lựa chọn và lập danh mục các công trình đầu tư quy mô nhỏ với tổng trị giá được phê duyệt hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng; từ các kênh của MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, xã có 15/50 hộ được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với nhiều nỗ lực, nhân dân các xóm tích cực chăm sóc trên 1.000 ha rừng trồng; thu hút khoảng 100 người tham gia ngành nghề tiểu thủ công nghiệp lúc nông nhàn. Quy mô đàn gia súc, gia cầm ngày càng mở rộng. Nguồn giống trâu, bò, ong lấy mật do các dự án cấp được quản lý, chăm sóc và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, trên địa bàn có khoảng 600 lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh với các ngành nghề may mặc, điện tử, xây dựng… đóng góp tăng thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất cũng góp phần giải quyết việc làm tại chỗ thông qua chính sách dân tộc, giảm nghèo dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số.

Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, hiện nay các xóm tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, căn cứ vào tình hình thực tế để xác định các hộ đủ điều kiện thoát nghèo. Với nguồn lực hỗ trợ và sự chủ động vượt khó của người dân, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo có khả năng giảm mạnh so với kế hoạch đề ra.


Bùi Minh