Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương đổi mới

Thứ sáu, 2/9/2022 | 10:45:58 Sáng

(HBĐT) - Mai Châu là một trong những vùng đất giàu truyền thống cách mạng của tỉnh, có nhiều đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, ngày nay, trong công cuộc xây dựng và đổi mới, chính quyền và Nhân dân tiếp tục nỗ lực, chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương, tạo nên những kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH.


Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) phát triển nghề dệt truyền thống, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hoá dân tộc Thái.

Trong những năm tháng kháng chiến, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ. Với quyết tâm cao, quân và dân toàn huyện vừa đánh giặc, vừa tập trung tăng gia sản xuất. Năm 1941, sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, những tổ cứu quốc đầu tiên của tỉnh gồm tổ Cứu quốc ở phố Vãng và tổ Việt Minh ở thị trấn Suối Rút được thành lập. Từ đó, các cơ sở cứu quốc của Mai Châu được củng cố và phát triển. Các hội viên tích cực tuyên truyền, vận động, thu hút nhiều quần chúng yêu nước tham gia con đường cách mạng, chờ đợi thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Nhân dân đã bảo vệ và ủng hộ các chiến sỹ cộng sản bị địch áp giải qua địa bàn Mai Châu lên giam giữ ở nhà tù Sơn La; tham gia các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Suối Rút, phố Vãng, sau này là các xã: Mai Thượng,  Mai Hạ, Tân Mai, Bao La, Pù Bin.

Năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Mai Châu tiếp tục vượt mọi gian nan, thực hiện khẩu hiệu "Người người kháng chiến, nhà nhà kháng chiến”, vừa xây dựng lực lượng chiến đấu, vừa sản xuất, bám trụ giữ đất, giữ dân. Đồng thời cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ đoàn quân Tây Tiến, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy của mặt trận Tây Tiến. Những chiến công của quân và dân Mai Châu đã đóng góp vào thắng lợi chung của các chiến dịch ở Hòa Bình và Tây Bắc.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến”, toàn huyện có 1.632 thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong đó, 327 người đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường; 500 đồng chí là thương binh, bệnh binh đã cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1965 - 1975, quân và dân huyện sát cánh cùng quân dân tỉnh cũng như quân dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tích cực chi viện cho tiền tuyến. Nhân dân Mai Châu đã đóng góp 3.150 tấn lương thực, 1.032 tấn thực phẩm, huy động 10 vạn ngày công phục vụ cho Nhà nước; chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ 525 trận, góp phần cùng cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Mảnh đất Mai Châu anh hùng trong kháng chiến năm xưa, nay không ngừng đổi mới từng ngày. Những năm qua, với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các dân tộc trên địa bàn huyện đã tập trung lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc truyền thống của dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Đến nay, toàn huyện có gần 150 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Bên cạnh bảo tồn các giá trị truyền thống dân tộc, huyện chú trọng tới các dự án đầu tư về phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch; có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào du lịch với mục tiêu xây dựng Mai Châu trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Các phong trào thi đua trên lĩnh vực KT-XH được đẩy mạnh với mục tiêu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động nội lực, chú trọng đầu tư vào những điểm có tiềm năng du lịch sẵn có. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu và thực hiện đầu tư trên địa bàn huyện...

Những tháng đầu năm, huyện gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 có nhiều tác động đến đời sống, KT-XH. Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự đồng lòng, quyết tâm của Nhân dân và các cấp chính quyền, tình hình KT-XH tiếp tục phát triển ổn định. Công tác hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại vùng khó khăn được các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt. Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước thực hiện 1.629 tỷ đồng, đạt 43,21% kế hoạch và bằng 113,07% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản 531 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 548 tỷ đồng; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ - du lịch 550 tỷ đồng.

 Đồng chí Phạm Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Định hướng phát triển KT-XH xuyên suốt của huyện giai đoạn hiện nay, hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được xác định mục tiêu đột phá là tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện; đảm bảo phát triển bền vững, dài hạn trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Để chung sức xây dựng quê hương, trước mắt, chính quyền và Nhân dân tập trung hoàn thành các mục tiêu năm 2022 như: đạt tổng giá trị sản xuất 3.770 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,8%, nâng mức thu nhập bình quân  đầu người đạt 44,72 triệu đồng...

Thu Hằng