Xã Pà Cò bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống
Thứ hai, 8/7/2024 | 9:25:14 Sáng
Những năm gần đây, nhiều bà con dân tộc Mông tại xã Pà Cò (Mai Châu) đã khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Qua đó nâng cao thu nhập, là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới phát triển du lịch ở xã vùng cao này.
Chị Sùng Y Nông, xóm Pà Cò 1, xã Pà Cò (Mai Châu) truyền dạy cho con gái nghề vẽ sáp ong
truyền thống của đồng bào Mông.
Vẽ sáp ong, nhuộm chàm, dệt thổ cẩm là những nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Mông tại xã Pà Cò. Tuy nhiên, đã có một thời gian dài nghề truyền thống này bị mai một do sự phát triển của các sản phẩm may sẵn, vừa rẻ lại không tốn nhiều công sức. Trong khi đó, để làm ra một sản phẩm dệt truyền thống cần nhiều thời gian, sự cầu kỳ trong nhiều công đoạn. Những năm gần đây, nghề vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm của đồng bào Mông tại xã Pà Cò không chỉ được bảo tồn, mà còn đang trở thành công việc đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con.
Pà Cò 1 là xóm phát triển mạnh nhất nghề dệt thổ cẩm. Xóm có 76 hộ, trong đó quá nửa số hộ phát triển nghề dệt thổ cẩm. Mấy năm gần đây, chị Sùng Y Nông, xóm Pà Cò 1 gần như bỏ hẳn công việc nương rẫy để tập trung dệt thổ cẩm. Công việc không nắng gió, vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị. Tháng đạt cao nhất, chị Nông thu nhập được trên 20 triệu đồng, còn bình quân sẽ đạt khoảng trên 10 triệu đồng/tháng. Chị Nông chia sẻ: "Năm 10 tuổi, tôi đã được mẹ dạy cho nghề vẽ sáp ong, nhuộm chàm, dệt vải để làm ra các trang phục truyền thống của dân tộc mình. Giờ đây tôi cũng dạy cho các con biết nghề truyền thống của dân tộc, vừa để bảo tồn, lại có thể kiếm được thu nhập”.
Cùng xóm với chị Nông, 5 năm trở lại đây, chị Giàng Y Dố cũng tập trung vào công việc dệt thổ cẩm. Hàng ngày chị Dố và mẹ vẽ sáp ong, nhuộm vải rồi dệt thành các sản phẩm túi xách, quần, áo của người Mông để bán cho khách. Thị trường tiêu thụ chính là bán sang Thái Lan và Lào. Công việc này cũng đem lại nguồn thu nhập khá ổn định, bình quân mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng/người. Chị Dố chia sẻ: Ngày trước làm ngô trên nương vất vả lắm mà thu nhập thấp, dệt thổ cẩm có thu nhập tốt hơn chúng tôi rất vui. Trong thời gian tới, chúng tôi mong được các cấp chính quyền hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách trong nước và nước ngoài để bán được nhiều sản phẩm hơn, thu nhập cao hơn nữa.
Ngoài xóm Pà Cò 1, nghề dệt thổ cẩm còn được khôi phục, phát triển mạnh ở xóm Chà Đáy. Đây là xóm phát triển mô hình du lịch homestay. Tại các homestay, bên cạnh các sản phẩm du lịch khá độc đáo như: săn mây, đón bình minh trên núi, tham quan đồi chè, rừng già, du khách còn được trải nghiệm nghề vẽ sáp ong, nhuộm chàm của đồng bào Mông. Đồng chí Phàng A Chà, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Hiện nay thu nhập của bà con vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp, tuy nhiên chưa đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Do đó, trong định hướng của xã, phát triển du lịch là hướng đi được chú trọng.
Để làm được điều đó, việc khôi phục nghề truyền thống, bảo tồn các nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mông là rất quan trọng, nhất là nghề vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm. Hiện xã có một số mô hình trải nghiệm vẽ sáp ong tại xóm Chà Đáy và Pà Cò 1. Trong thời gian tới, xã tập trung tuyên truyền, khuyến khích bà con khôi phục nghề trồng lanh, cũng như dệt thổ cẩm để tạo ra các sản phẩm độc đáo, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Viết Đào