Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Nét đẹp sinh hoạt keng loóng của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu

Thứ bảy, 3/12/2022 | 5:07:16 Chiều

(HBĐT) - Không chỉ thực hành trong các phong tục, nghi lễ truyền thống, sinh hoạt keng loóng được đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu bảo tồn và trở nên phổ biến trong đời sống, nhất là vào những ngày vui, dịp lễ hội. Đồng thời, trở thành hình thức trình diễn nổi bật phục vụ hoạt động du lịch và các sự kiện văn hoá.




Các hạt nhân văn hoá, văn nghệ đến từ bản người Thái huyện Mai Châu trình diễn điệu keng loóng mang tiết tấu rộn rã, tươi vui, góp phần thu hút du khách đến với Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2022. 

 
Các khu dân cư trên địa bàn huyện vừa đón Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh các hoạt động thể thao, văn nghệ, sinh hoạt keng loóng diễn ra sôi nổi trên khắp bản làng đồng bào Thái các xã: Tòng Đậu, Chiềng Châu, Mai Hịch, Mai Hạ, Xăm Khoè… Nhịp điệu gõ tạo nên âm thanh vui nhộn khiến ai nấy đều thích thú. Bà Hà Thị Khoá, xóm Mỏ, xã Chiềng Châu bày tỏ: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ kém vui nếu thiếu sinh hoạt độc đáo này. Tiết tấu khoẻ khoắn, âm thanh rộn rã của keng loóng thôi thúc mọi người hòa vào không khí ngày hội. Nhịp loóng vang lên mang ước vọng về sự sinh sôi, nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu, không bị tác động xấu của thiên nhiên, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng...

Là người có nhiều nghiên cứu về văn hoá dân gian Thái Mai Châu, ông Khà Văn Tiến, xã Vạn Mai cho biết: Đến nay, đồng bào Thái nơi đây vẫn quan niệm rằng sinh hoạt keng loóng ra đời từ hiện tượng nguyệt thực "Ếch ăn trăng”. Do vậy, mỗi khi có nguyệt thực, các bản người Thái mang loóng ra gõ, quan niệm gõ thật mạnh để xua đuổi con ếch đi. Một phong tục khác trong ngày cưới của người Thái là keng loóng chúc phúc cho đôi nam nữ, cầu mong cho vợ chồng sớm có con đàn, cháu đống. Trong lễ Xên bản, Xên mường, nét đẹp sinh hoạt văn hoá này cũng được đưa vào hoạt động vui chơi, văn nghệ chính. Việc đưa keng loóng trong hội Xên mường mang tính chất giải trí hoàn toàn tự nhiên, không bị bó buộc trong khuôn khổ lễ nghi nào và có sức sống cho đến ngày nay.

Theo đồng chí Hà Thị Liễu, Phó trưởng Phòng Văn hoá-Thông tin huyện, keng loóng là một trong những sinh hoạt văn hoá dân gian tiêu biểu, sản phẩm tinh thần của cộng đồng người Thái ở địa phương. Những năm gần đây, huyện đã có một số cơ chế, chính sách khuyến khích các hình thức duy trì và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Thái nói chung, giá trị di sản văn hoá keng loóng nói riêng. Đặc biệt, việc tổ chức và thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ ở hầu hết cộng đồng đã giúp cho các giá trị văn hoá dân tộc được lưu giữ và phát triển. Phần lớn các sinh hoạt văn hoá, trong đó có sinh hoạt keng loóng đã được các cấp lãnh đạo chính quyền và quản lý văn hoá quan tâm thông qua xây dựng nhà văn hoá, tổ chức một số hoạt động văn nghệ quần chúng. Từ đó, ý thức bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống, sinh hoạt văn hoá keng loóng được nâng cao, có nhiều cơ hội trao truyền cho thế hệ sau.

Mai Châu còn có điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, môi trường để phát triển kinh tế du lịch. Bản sắc văn hoá Thái tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại đây. Cùng với định hướng của chính quyền địa phương, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá đã được khôi phục và tái tạo, trong đó có sinh hoạt keng loóng. Nhiều đội keng loóng được thành lập, tự tập luyện để biểu diễn phục vụ du khách. Không gian diễn tấu được mở rộng, không chỉ trong các dịp lễ Tết, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 mà ở ngay sân bản, sân nhà văn hoá hoặc khu du lịch của bản để du khách có thể tập trung đứng xung quanh quan sát, trải nghiệm.                         

Bùi Minh