Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu giải quyết chính sách, đảm bảo an sinh xã hội đối với người di cư tự do

Thứ sáu, 6/1/2023 | 8:59:20 Sáng

(HBĐT) - Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về giải pháp ổn định dân di cư tự do (DCTD) trên địa bàn cả nước: "Không khuyến khích di dân tự do. Nhưng họ đã đến đây rồi thì cần phải quan tâm giải quyết những chính sách cụ thể, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH). Không để đồng bào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, mất ANTT”. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mai Châu đã nỗ lực thực hiện các chính sách đảm bảo ASXH đối với người DCTD trên địa bàn.



Thành viên đoàn công tác của tỉnh, huyện Mai Châu trò chuyện, tuyên truyền, vận động người dân di cư tự do tại khu vực Suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu). 

"Điểm dừng chân" của người di cư tự do

Theo đồng chí Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Cun Pheo (Mai Châu), xóm Táu Nà, nhất là khu vực Suối Rằm từ nhiều năm qua đã trở thành điểm "nóng” về hoạt động xâm canh, xâm cư (XCXC), di dân tự do không chỉ của xã, huyện mà của cả tỉnh.

Theo đó, từ cuối năm 2016 có 14 hộ với 41 nhân khẩu người Mông thuộc tỉnh Sơn La DCTD cư trú, phát nương làm rẫy tại khu vực Suối Rằm. Từ đó đến nay, theo từng giai đoạn có nhiều di biến động về nhân hộ khẩu. Năm 2017, số nhân hộ khẩu DCTD tăng lên 23 hộ với 131 khẩu (gốc ở tỉnh Sơn La 20 hộ, 108 nhân khẩu; gốc tỉnh Yên Bái 3 hộ, 23 nhân khẩu). Năm 2018 còn 20 hộ với 117 nhân khẩu (gốc tỉnh Sơn La 17 hộ, 94 nhân khẩu; gốc tỉnh Yên Bái 3 hộ, 23 nhân khẩu). Năm 2020 tăng lên 21 hộ với 105 nhân khẩu (gốc tỉnh Sơn La 17 hộ, 82 nhân khẩu; gốc tỉnh Yên Bái 3 hộ, 18 nhân khẩu). Đến tháng 12/2022 còn 19 hộ với 116 nhân khẩu (gốc tỉnh Sơn La 17 hộ, 99 nhân khẩu; gốc tỉnh Yên Bái 2 hộ, 17 nhân khẩu). Qua rà soát, nắm bắt, ban đầu các hộ dân này sinh sống ở huyện Bắc Yên (Sơn La) và huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Sau một thời gian DCTD vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã quay trở về khu vực Suối Rằm, xã Cun Pheo XCXC, chiếm dụng đất để canh tác, sản xuất, dựng nhà. Ngoài các hộ dân đến từ các tỉnh Sơn La, Yên Bái, tại khu vực Suối Rằm còn có 31 hộ, 167 nhân khẩu người dân tộc Mông của xã Hang Kia (Mai Châu) đã cư trú, sản xuất từ nhiều năm trước và đang có chiều hướng nhiều hộ dân tộc Mông của xã Hang Kia tiếp tục DCTD đến khu vực này phá rừng làm nương rẫy, có ý định định cư lâu dài tại đây.

Đồng chí Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết, khu vực XCXC thuộc xóm Táu Nà giáp ranh giữa 3 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá. Đây là nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cách trung tâm xóm khoảng 10 km, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Khu vực này không được quy hoạch xây dựng khu dân cư. Do vậy không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm... Hơn nữa, phần lớn diện tích đất các hộ XCXC đã được UBND tỉnh giao cho 1 doanh nghiệp quản lý, đầu tư để trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế, tạo vùng nguyên liệu tập trung.


Nỗ lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội

Theo đánh giá và ghi nhận của các cơ quan chức năng địa phương, hoạt động XCXC trên địa bàn xã Cun Pheo thời gian qua đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, phá vỡ quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất, tiềm ẩn nhiều phức tạp về ANTT và nhiều hệ lụy về KT-XH địa phương. Tuy vậy, theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tập trung giải quyết những chính sách đảm bảo ASXH cho đồng bào DCTD trên địa bàn. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ để kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án tái định cư (TĐC) cho các hộ dân.

Từ đề xuất, kiến nghị của huyện Mai Châu, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành về thực hiện các dự án bố trí, ổn định dân DCTD. HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 242/NQ-HĐND, ngày 24/2/2020 về việc triển khai thực hiện dự án "Xây dựng khu TĐC tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo” để bố trí, ổn định dân DCTD. Dự án có tổng mức đầu tư 61,930 tỷ đồng (ngân sách T.Ư 50 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 11,23 tỷ đồng, còn lại trích từ ngân sách huyện). Dự án chia làm 2 giai đoạn, quy mô phục vụ TĐC cho 53 hộ dân. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, hoàn thành các hạng mục như san nền, xây dựng tường chắn đất, nhà văn hóa, hệ thống đường giao thông... Tuy nhiên, các hộ dân vẫn chưa chuyển vào khu TĐC mới do chưa xây dựng được hạ tầng đồng bộ, nhất là các hạng mục thiết yếu như hệ thống cấp điện, cấp nước ngoại khu. Nguyên nhân do chưa được bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách T.Ư để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, bao gồm các hạng mục phân lô, các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như cấp nước, cấp điện...

Đến thăm quan, tận mắt nhìn thấy khu TĐC được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng nhằm mục đích đón hộ dân DCTD đủ điều kiện về ở trong một tương lai không xa, Sồng A Gia, Thào A Pó, Thào A Giàng, Mùa A Su, Hờ A Kê, Phàng A Sáy, Sùng Thị Dua... vô cùng phấn khởi. Bởi khi dự án hoàn thành họ sẽ được chuyển về đây sinh sống, được Nhà nước cấp cho mỗi hộ 400 m2 đất ở, được bố trí đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Không chỉ vậy, tại buổi tiếp xúc, đối thoại giữa các hộ dân với lãnh đạo tỉnh, huyện mới đây, họ đã được cam kết đảm bảo tạo điều kiện hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất phù hợp để yên tâm định cư; tỉnh sẽ nghiên cứu, bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư để đảm bảo ASXH, trẻ em được đi học, người dân được hưởng các chế độ, chính sách y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề... như người dân địa phương.
Theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, để được thụ hưởng các chính sách ASXH một cách đầy đủ, công bằng, mỗi người dân cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không lôi kéo thêm các hộ gia đình, nhân khẩu từ địa phương khác DCTD đến khu vực này; người dân phải chấp hành tốt những quy định của pháp luật, không chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, còn một số hộ và người DCTD không đủ điều kiện nên chưa được địa phương cấp, quản lý về lĩnh vực cư trú, huyện sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục quản lý về cư trú để làm cơ sở hỗ trợ người dân có nơi cư trú hợp pháp, được giao đất sản xuất và được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, chính sách ASXH.

Về phía tỉnh, sau khi trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo và giao UBND huyện Mai Châu tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân DCTD thấy rõ được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; quyết tâm xây dựng thành công khu TĐC để đón các hộ DCTD chuyển vào sinh sống. Cùng với đó, đồng chí yêu cầu huyện Mai Châu quan tâm làm tốt công tác quản lý nhân khẩu theo quy định của pháp luật để người dân DCTD được thụ hưởng các chính sách ASXH đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Khi người dân về ở tại khu TĐC, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phải đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế; có phương án bố trí đất ở, đất sản xuất, điều kiện sinh sống theo tinh thần, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán của Thủ tướng Chính phủ: "Không khuyến khích DCTD. Nhưng họ đã đến đây rồi thì cần phải quan tâm giải quyết những chính sách cụ thể, đảm bảo ASXH...”.

Mạnh Hùng