Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Cô giáo dân tộc Mông và lớp học “Tiếng Việt cho em”

Thứ tư, 25/10/2023 | 9:15:45 Sáng

(HBĐT) - Suốt 3 tháng hè, tiếng hát, tiếng tập đánh vần của học sinh dân tộc Mông nơi xã vùng cao Hang Kia (Mai Châu) đều đặn vang lên. Tiếng hát bằng tiếng phổ thông của những em nhỏ vùng cao tuy còn ngọng nghịu, nhưng là sự nỗ lực của cô và trò sau những tháng ngày miệt mài chăm chỉ học tiếng Việt tại lớp học tiếng Việt miễn phí của cô giáo Giàng Thị Sao, Trường TH&THCS Hang Kia A, xã Hang Kia (Mai Châu).


Bằng tình yêu trẻ, cô giáo Giàng Thị Sao, Trường TH&THCS Hang Kia A, xã Hang Kia (Mai Châu) đã giúp nhiều học sinh còn khó khăn về ngôn ngữ tự tin bước vào lớp 1.

Là giáo viên người bản địa, có nhiều năm giảng dạy tại xã Hang Kia, cô Giàng Thị Sao thấy được nỗi vất vả của các thầy, cô giáo mỗi năm học mới đến, đặc biệt là các thầy, cô giáo tiểu học. Đa phần học sinh lớp 1 không nói sõi tiếng Việt nên thầy cô rất khó khăn trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh, các em cũng thiệt thòi khi đến lớp mà không hiểu và không tiếp thu được hết kiến thức thầy cô truyền đạt. Nhận thấy điều đó, cô Giàng Thị Sao luôn trăn trở phải làm sao để các em biết được các thầy, cô đang nói gì, truyền đạt gì? Cô Sao đã nêu vấn đề với Ban giám hiệu nhà trường, mong muốn mở lớp "Tăng cường tiếng Việt” cho học sinh trên địa bàn xã và trẻ chuẩn bị vào lớp 1. "Ngay sau khi cô Sao nêu vấn đề với Ban giám hiệu, nhận thấy đây là một ý kiến hay, nhà trường đồng tình, ủng hộ ý kiến của cô, tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để cô Sao mở lớp tiếng Việt miễn phí cho con em dân tộc Mông trên địa bàn xã” - cô Ngần Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hang Kia A cho biết.

Hang Kia là xã đồng bào dân tộc Mông, nơi cái đói, cái nghèo và cả sự lạc hậu vẫn đeo đẳng. Những đứa trẻ nơi đây không coi việc học chữ là quan trọng, chỉ muốn lên nương làm rẫy, lớn hơn thì lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con. Đường đến trường của những đứa trẻ ở xã vùng cao này không chỉ xa về mặt địa lý, mà còn xa bởi chính tư duy "học xong chẳng để làm gì” của những bậc phụ huynh. Với suy nghĩ đó, ban đầu họ còn e ngại không muốn đưa con em mình đến trường và thường đưa con mình theo đi làm nương. Bằng sự kiên trì tuyên truyền, vận động và nhất là khi thấy con các phụ huynh khác sau khi tham gia lớp học đặc biệt của cô Sao có nhiều thay đổi nên nhiều người đã mở lòng, yên tâm giao con mình cho cô Sao dạy dỗ. "Mình thấy con của hàng xóm đi học lớp của cô Sao về nói chuyện bằng tiếng phổ thông nhiều hơn nên mình cũng cho con đi học. Học được hơn 1 tuần về thấy con hát, đọc số, nhận diện được các chữ cái, đọc được tên bố, mẹ. Thấy con vui nên mình cho theo lớp của cô, không cho con đi nương cùng nữa, để cô dạy tập hát, tập nói tiếng phổ thông”  - anh Khà A Nếnh, xóm Hang Kia, xã Hang Kia cho biết.

Để tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ, cô Sao vừa nói tiếng phổ thông vừa phiên âm ra tiếng Mông để giải thích, tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất. Nhằm giúp mỗi đứa trẻ nơi đây đều được đến lớp học tập và vui chơi cùng bạn bè, cô Sao đến từng nhà học sinh tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, động viên, tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ ra lớp học... Cô Giàng  Thị  Sao chia sẻ: "Trong quá trình mở lớp tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là các phụ huynh chưa hiểu ý nghĩa của việc con mình đến lớp phải thông thạo tiếng phổ thông. Để vận động phụ huynh cho con em ra lớp là một hành trình vất vả, chỉ một số ít phụ huynh đồng tình, tự nguyện cho con tham gia lớp học, còn đa số phải đi vận động và đến từng nhà đưa các em đi học”. Không chỉ giảng dạy ban ngày, buổi tối cô Giàng Thị Sao còn tổ chức cho các em vui chơi và học giao tiếp, nói các câu từ khó. Bằng cách làm này, sau một thời gian các em đã mạnh dạn và nói tiếng phổ thông thạo hơn. Việc làm của cô Giàng Thị Sao đã giúp học sinh dân tộc Mông ở xã Hang Kia tự tin nắm bắt kiến thức, tích cực học tập, hào hứng đến trường.

 Thanh Loan
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)