Xóm Chà Đáy phát triển du lịch gắn với bản tồn bản sắc văn hóa
Thứ sáu, 14/6/2024 | 9:15:45 Sáng
Nhờ khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời đổi mới nếp nghĩ, cách làm đã giúp đời sống của người dân xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) được cải thiện rõ rệt. Cùng với phát triển du lịch, môi trường được bảo vệ tốt, bản sắc văn hóa đồng bào Mông được phát huy.
Du khách có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị khi lưu trú tại điểm du lịch cộng đồng xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu).
Cũng như người Mông ở xã Pà Cò, trước đây, nguồn thu chính của bà con xóm Chà Đáy trông vào trồng ngô, lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ. Anh Phàng A Páo, chi hội trưởng chi hội nông dân nghề nghiệp "Homestay Mông và trải nghiệm nông nghiệp Pà Cò”, đồng thời là hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) của xóm cho biết: Từ khi làm du lịch, tôi thấy mở mang được nhiều điều và bản thân càng thêm hiểu rõ chỉ có giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn bản sắc mới giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số hòa nhập và phát triển, đẩy lùi được đói nghèo.
Cách đây ít năm, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất vùng đặc biệt khó khăn, tuyến đường giao thông chạy qua xóm Chà Đáy được mở rộng và bê tông hóa. Bên cạnh đó, các công trình nước sinh hoạt tập trung, nguồn điện được đầu tư... tạo điều kiện thuận lợi để người dân ổn định đời sống, phát triển du lịch. Bà con duy trì canh tác các loại cây đặc sản như: chè shan tuyết, lúa nương, mận tam hoa và nghề truyền thống vẽ sáp ong, làm giấy giang... để du khách đến địa phương không chỉ được khám phá cảnh vật núi rừng đẹp hoang sơ, mà còn có nhiều trải nghiệm về văn hóa thông qua phong tục tập quán, hoạt động lao động sản xuất của người dân.
Đến nay, nghề làm du lịch đã cải thiện đáng kể thu nhập của các gia đình, thu hút gần 10 hộ trong xóm tham gia, tích cực học hỏi mô hình DLCĐ hiệu quả gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể. Tại xóm, các homestay lưu trú vẫn giữ kiến trúc nhà ở truyền thống với việc sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên, các chi tiết trang trí trong homestay mang phong cách của đồng bào Mông. Nổi bật như các điểm nhà nghỉ cộng đồng: A Páo Homestay, Y Sao Homestay, A Tiến Homestay... Cùng với đó, một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, như: Không gian văn hóa của người Mông "Mong Space”; chợ đêm văn hóa dân tộc Mông; cắm trại kết hợp săn mây trên núi... góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, thu hút đông đảo khách trong nước, quốc tế tham quan, khám phá du lịch bản địa.
Bà Anline, du khách đến từ nước Pháp chia sẻ: Nét văn hóa độc đáo của DLCĐ xóm Chà Đáy để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Cảm nhận đáng nhớ là khi đến tham quan "Mong Space”, được nghe chị Sùng Y Dớ, chủ nhân của Mong Spase kể những câu chuyện thú vị xung quanh bộ trang phục truyền thống, những họa tiết hoa văn trên vải, nguồn gốc của những đồ vật được bà con lưu giữ rất lâu đời. Tại đây, người chủ của Mong Space còn nhiệt tình hướng dẫn tôi trải nghiệm làm giấy giang, vẽ sáp ong và thư giãn với dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc.
Trải qua 6 năm triển khai mô hình DLCĐ, xóm Chà Đáy đã trở thành một trong những điểm đến được du khách trong nước, quốc tế yêu thích. Cùng tham gia hoạt động du lịch, các hộ trong xóm có ý thức cao trong việc giữ gìn văn hóa bản địa, nhất là về trang phục, ẩm thực, lễ hội... Bà con cùng nhau làm hàng rào đá tai mèo kết hợp trồng hoa ven đường tạo không gian gần gũi, xanh - sạch - đẹp. Đến nay, chi hội nông dân nghề nghiệp "Homestay Mông và trải nghiệm nông nghiệp Pà Cò” đã quy tụ được 35 hội viên, địa bàn có 6 homestay đón khách. Gia đình làm homestay thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên, dưới 100 triệu đồng.
Bùi Minh