Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu: Sau mưa bão là nỗi lo sạt lở đất, đá

Thứ năm, 12/9/2024 | 9:54:24 Sáng

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, những ngày qua trên địa bàn huyện Mai Châu có nhiều nơi xảy ra mưa to đến rất to, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất ở nhiều địa bàn trong huyện.


Điểm sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 432 qua xóm Nánh Nhân, xã Tân Thành (Mai Châu) tiếp tục sạt lở.

Nơm nớp nỗi lo sạt lở

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Mai Châu, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 6/9 nhiều nơi trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, mưa kéo dài. Độ ẩm đất ở một số khu vực đạt trạng thái bão hòa, gây nguy cơ cao về sạt lở đất.

Thiếu tá Hà Công Quyết, Trưởng Công an xã Tân Thành cho biết: Đến trưa 11/9, trên địa bàn xã vẫn có mưa. Điểm sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 432 đoạn qua xóm Nánh Nhân, chiều 10/9 địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục tạm thời để thông đường cho phương tiện và người dân đi qua. Tuy nhiên, do trời còn mưa nên tại một số điểm sạt lở đã khắc phục tiếp tục sạt lở đất đá, gây nguy hiểm. Nếu trời tiếp tục mưa, tại khu vực đoạn "cua 3 tầng” trên tuyến tỉnh lộ 432 thuộc địa bàn xóm Nánh Nhân nguy cơ cao sạt lở khối lượng lớn đất, đá xuống nền đường. Ngoài ra, trên tuyến tỉnh lộ 432 thuộc các xóm Đá Đỏ, Bãi Cả cũng xuất hiện các điểm sạt lở nguy hiểm. Tuy phương tiện vẫn có thể lưu thông bình thường nhưng nguy cơ sạt lở thêm, vì khu vực này có mưa lớn trong nhiều ngày, đất và nước đã trở nên bão hòa; bùn đất tiếp tục đùn, chảy tràn xuống lòng đường.

Ngoài các điểm sạt lở trên đường giao thông, theo đồng chí Đinh Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, trước khi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, địa phương đã rà soát, xác định một số khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở của các hộ dân. Trong đó, xã đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ di dời người và tài sản của gia đình ông Bùi Văn Hà, xóm Tôm về nơi tránh trú an toàn. Sau thời gian cao điểm về mưa lũ, trên địa bàn xã xuất hiện thêm nhiều điểm nguy cơ cao sạt lở đất, đó là khu vực nhà ở của gia đình ông Bùi Văn Ành và Đinh Văn Thạo, xóm Tân Thủy. Xã đã tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân này ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

Xã Sơn Thủy cũng được xem là một trong những địa bàn có địa hình phức tạp với đồi núi cao, đất tơi xốp nên khi mưa kéo dài hay bị sạt lở đất, đá. Theo đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, ngay trong thời điểm mưa bão do ảnh hưởng của cơn bão số 3, xã đã phải huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ công an, dân quân và nhân dân để hỗ trợ di dời 7 hộ dân ở xóm Phúc về nơi tránh trú an toàn. Trong những ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn xã cũng xuất hiện điểm sạt lở đất với các mức độ khác nhau.

Tại xã Thành Sơn, tính đến chiều 11/9, mặc dù trời vẫn mưa nhưng về cơ bản các điểm ngập úng trên địa bàn nước đã rút, người dân có thể đi lại bình thường. Theo đồng chí Lò Thanh Khuyên, Chủ tịch UBND xã, sau mưa bão thì nỗi lo lớn nhất là tình trạng sạt lở đất. Trong đợt mưa bão vừa qua trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở nhiều hộ dân các xóm: Hiềng, Chiềng An, Hợp Thành...

Theo dõi sát, nắm chắc tình hình sạt lở đất tại các khu, điểm dân cư

Đó là quan điểm chỉ đạo của UBND huyện Mai Châu đối với các xã, thị trấn trong toàn huyện trong công tác chủ động phòng ngừa với hình thái thiên tai nguy hiểm là sạt lở đất. Theo đó, thời điểm trước khi cơn bão số 3 ảnh hưởng vào địa bàn, các cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để tập trung triển khai các biện pháp ứng phó. Qua công tác rà soát, toàn huyện có 14 xã, 1 thị trấn với 956 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ, lũ ống, lũ quét, ngập úng. Trong đó, số hộ ảnh hưởng sạt lở đất, đá 728 hộ, số hộ ảnh hưởng lũ ống, lũ quét 88 hộ, số hộ ảnh hưởng ngập úng 140 hộ; 3 điểm dân cư thường xuyên bị ngập khi mưa lũ từ 0,5 - 1m, gồm: xóm Ngõa, Hải Sơn (xã Mai Hịch); xóm Xuân Tiến (xã Xăm Khòe).


Ngôi nhà của gia đình ông Hà Văn Hùng, xóm Chiềng An, xã Thành Sơn (Mai Châu) bị đất từ trên đồi sạt lở gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, sau khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều nơi trên địa bàn huyện xuất hiện các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở đất, đá rất cao. Tính đến ngày 11/9, trên các tuyến đường giao thông của huyện có khoảng 170 điểm sạt lở, trong đó có 14 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; 15/16 xã, thị trấn có điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở cao; 65/116 xóm, bản, khu, tổ dân phố có nguy cơ sạt lở, ngập úng; trên 500 điểm ảnh hưởng đến 928 nhà dân. Thực tế có 92 hộ dân trong toàn huyện phải sơ tán đến khu vực an toàn; 33 nhà ở của người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Điển hình như khu tái định cư Hin Pén, xóm Pheo, xã Cun Pheo mưa lũ làm đổ tường chắn với chiều dài khoảng 50m, gây sạt lở taluy dương, khối lượng khoảng 1.500m3 đất đá, ảnh hưởng trực tiếp đến 11 hộ dân sinh sống tại khu tái định cư. Ngoài ra, tại Đội 1, xóm Pheo, xã Cun Pheo phát hiện 1 vết nứt dài 50m trên đồi gây nguy hiểm trực tiếp 1 hộ dân; tại xóm Thanh Mai, xã Vạn Mai sạt lở taluy dương với khối lượng hàng trăm m3 đất đá, gây nguy hiểm trực tiếp đến 4 hộ dân; tại xóm Khòe, xã Xăm Khòe sạt lở taluy dương khu suối Te, dài khoảng 150m, nguy hiểm đến 20 hộ dân đang sinh sống...

Theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu: Huyện đã chỉ đạo tạm thời khắc phục các thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chú trọng, theo dõi sát, nắm chắc tình hình tại các khu, điểm dân cư để kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Mạnh Hùng