Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc

Chăm sóc sức khỏe và phát triển thể chất trẻ em dân tộc

Thứ hai, 15/7/2024 | 3:09:32 Sáng

Tỉnh ta hiện có trên 226 nghìn trẻ em, trong đó có hơn 53 nghìn trẻ em dân tộc Kinh và hơn 173 nghìn trẻ em các dân tộc khác. Xác định công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần giúp đối tượng tiếp cận với các dịch vụ CSSK sinh sản, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.


Trẻ em xã Cao Sơn (Đà Bắc) tham gia hoạt động thể dục thể thao trong dịp hè do Đoàn xã tổ chức.

Khoảng hơn 10 năm trước, Hòa Bình là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ em SDD cao. Đầu năm 2010, tỷ lệ trẻ em bị SDD cân nặng/tuổi lên đến gần 26%, SDD chiều cao/tuổi gần 32%. Để cải thiện tình trạng này, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và đạt một số kết quả quan trọng. Theo thống kê của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng theo tuổi là 14,2%, thể chiều cao theo tuổi là 22,7%.

Hiện nay, hệ thống y tế được trải rộng từ tỉnh đến xã. Đối với CSSK bà mẹ, trẻ em, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có các khoa: Phụ sản, Nhi, Sơ sinh. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố có Khoa CSSK sinh sản và Khoa Nhi (Nội - Nhi). Tại 151 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách về CSSK sinh sản và phòng, chống SDD trẻ em. Đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được nâng cao năng lực về CSSK trẻ em. Chương trình phòng, chống SDD trẻ em kết hợp sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em được triển khai thực hiện trên toàn tỉnh. Trẻ em thường xuyên được theo dõi tăng trưởng, bổ sung vi chất, vitamin,tiêm chủng, CSSK theo đúng quy định. Công tác y tế trường học đảm bảo việc CSSK cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, để không ngừng cải thiện sức khỏe của bà mẹ, trẻ em và nhận thức của cộng đồng, ngành Y tế tăng cường truyền thông về các chính sách, chương trình CSSK bà mẹ, trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng truyền thông trực tiếp, lựa chọn hình thức phù hợp với từng hoạt động, địa phương...

Tại xã Hòa Sơn (Lương Sơn), công tác CSSK bà mẹ, trẻ em luôn được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Toàn xã có trên 1.800 trẻ em, trong đó có 558 trẻ dưới 6 tuổi. Chị Nguyễn Thị Vân, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Hòa Sơn cho biết: "Tỷ lệ trẻ em trên địa bàn SDD thể cân nặng là 3,3%, thể thấp còi 4,66%. Để cải thiện chất lượng CSSK của bà mẹ, trẻ em, giảm thiểu tỷ lệ trẻ SDD, những năm qua, trạm chú trọng thực hiện việc theo dõi tăng trưởng, bổ sung vi chất, vitamin A, tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, quản lý thai nghén... đầy đủ, đúng quy định. Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động truyền thông, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về CSSK bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Nhờ đó, phụ nữ trong xã biết CSSK sinh sản của bản thân để có một thai kỳ khỏe mạnh, bổ sung các vi chất, nuôi con khoa học, đảm bảo dinh dưỡng...”.

Hiện đang là kỳ nghỉ hè của trẻ em. Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, các cơ sở Đoàn trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hè bổ ích, nâng cao sức khỏe thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh, thiếu nhi. Cao Sơn là xã vùng cao của huyện Đà Bắc, có 4 dân tộc cùng sinh sống là: Tày, Mường, Kinh, Dao. Kỳ nghỉ hè năm 2024, Đoàn xã tiếp nhận trên 700 học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương, trong đó hơn 50% là trẻ em dân tộc Tày, Mường. Ngay từ đầu tháng 6, Ban Chấp hành Đoàn xã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động trong dịp hè năm 2024 cho trẻ em. Qua đó tập hợp thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích, an toàn cho trẻ em trên địa bàn, nhất là trẻ em nghèo, dân tộc, hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tạo khí thế sôi nổi thực hiện tốt phong trào Nghìn việc tốt, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024...

Đồng chí Đinh Hồng Thắng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cao Sơn cho biết: "Chúng tôi tích cực tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian... cho các em trong dịp hè. Tuy nhiên, kinh phí tổ chức còn hạn chế. Trên cơ sở điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương, chúng tôi tổ chức đa dạng hoạt động sinh hoạt hè, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp. Trong đó, tập trung những môn thể thao phát triển thể chất như đá bóng, bóng chuyền, đá cầu, cầu lông; trang bị kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; trò chơi dân gian; văn nghệ; quét dọn, vệ sinh một số tuyến đường liên xóm, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Từ đó góp phần cải thiện sức khỏe, thể chất, tăng cường tình đoàn kết...”.

Linh Nhật