Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc

Huyện Đà Bắc: Phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ nhật, 13/10/2024 | 12:50:32 Chiều

Vốn là một xóm nhỏ, đường đi lại khó khăn, có thời điểm gần như biệt lập. Trước đây, muốn đến xóm Đá Bia, nay là xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) chỉ có cách duy nhất là đi nhờ những "thuyền tôm” trên vùng hồ Hòa Bình. Từ khi được "khai phá”, xóm từng bước khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch. Thậm chí được bình chọn và trao giải thưởng du lịch cộng đồng Asean vào năm 2019.


Chị Bùi Thị Nhềm, chủ cơ sở homestay Ngọc Nhềm ở xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với đoàn khách nước ngoài về nét văn hóa đặc sắc của "quán tự giác”.

Có được kết quả đó là do Đức Phong có cảnh quan tươi đẹp, nguyên sơ, nét văn hóa dân tộc đặc sắc và sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng hành của doanh nghiệp cùng các cá nhân, tổ chức nỗ lực phát huy tiềm năng để phát triển du lịch. Theo chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP Du lịch cộng đồng (DLCĐ) Đà Bắc, sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để du lịch Đà Bắc phát triển bứt phá thời gian qua.

Đồng chí Bàn Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa và sự đổi mới tư duy về phát triển du lịch đã từng bước tạo sức bật, đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều này cũng đã được minh chứng rõ nét qua thực tế không chỉ ở Đức Phong mà còn hầu khắp các xóm làm DLCĐ trong huyện. Như ở xóm Sưng, xã Cao Sơn vốn là một xóm nghèo biệt lập, nơi quần cư của đồng bào dân tộc Dao. Từ khi được sự hỗ trợ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cá nhân, tổ chức, người dân xóm Sưng đã vượt khó vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển DLCĐ không chỉ của huyện Đà Bắc mà còn của tỉnh. Từ chỗ khai thác hiệu quả tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa phục vụ phát triển du lịch, đời sống người dân nơi đây đổi thay từng ngày.

Theo chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc ở xóm Sưng: Xóm có khoảng 75 hộ và mới chỉ có một số hộ làm homestay. Các hộ còn lại tuy không đầu tư thành điểm nghỉ dưỡng nhưng họ đều tham gia hoạt động kinh tế du lịch dưới góc độ cung cấp các sản vật địa phương, tổ chức các hoạt động hướng dẫn, trải nghiệm cho du khách. Nhờ vậy, đời sống cũng không ngừng được cải thiện. Còn chị Bùi Thị Nhềm, chủ cơ sở homestay Ngọc Nhềm, xóm Đức Phong (Tiền Phong) phấn khởi chia sẻ: Từ khi làm DLCĐ, kinh tế của gia đình tôi và người dân trong xóm được cải thiện và nâng lên.

Theo đồng chí Bàn Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, những năm qua, bên cạnh việc cụ thể hóa các chương trình hành động, kế hoạch để phát triển DLCĐ, huyện chú trọng quảng bá, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch một cách bền vững. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp khi huyện có lợi thế nằm trong vùng lõi Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Hướng đến mục tiêu đến năm 2025, tổng số khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện đạt 550.000 lượt. Trong đó, khách quốc tế 25.000 lượt, khách nội địa 525.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng trên 165 tỷ đồng, tổng thu nhập du lịch đạt khoảng trên 297 tỷ đồng. Cùng với đó là đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng cải thiện và nâng lên.

Mạnh Hùng