Để chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc thì việc triển khai các dự án vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực.

Tuyến đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả kết nối hai trung tâm du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh Quang Thọ)

Tuyến đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả kết nối hai trung tâm du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh Quang Thọ)

Bài 3: Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Tại cầu Bến Rừng, một công trình trọng điểm nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), là công trình sử dụng vốn đầu tư công lớn của thành phố Hải Phòng, đang được thi công khẩn trương.

Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng Đỗ Tuấn Anh cho hay, sau một năm khởi công, đến nay các nhà thầu thi công đã thực hiện 815 tỷ đồng khối lượng thực hiện, đạt tỷ lệ 46% giá trị hợp đồng và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành công trình theo đúng tiến độ 24 tháng như đã cam kết.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Nguyễn Thanh Long cho rằng: Để bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thủ trưởng các đơn vị được giao làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, kết quả giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những tiêu chí đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị năm 2023.

Theo kết quả kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước thành phố Hải Phòng, đến hết ngày 20/5, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã giải ngân được hơn 5.110 tỷ đồng, bằng 38,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao gấp gần hai lần so cùng kỳ. Hải Phòng là đơn vị trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao dẫn đầu cả nước.

Ông Trương Xuân Thành, Chỉ huy trưởng công trường của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang thi công dự án đường vành đai phía tây thành phố Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi nhận được sự động viên thường xuyên của lãnh đạo thành phố, vì vậy hiện dự án đang được triển khai đúng với tiến độ đề ra từ đầu năm".

Ông Trần Ngạnh, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, chia sẻ: Hầu hết các dự án trọng điểm, động lực của thành phố đều nằm trên địa bàn Hòa Vang, do đó, khối lượng di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng rất lớn. Xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, lập kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện hằng tuần, thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu, vị trí nào đã có mặt bằng là bàn giao ngay cho đơn vị thi công để triển khai.

Từ giữa năm 2022, Đà Nẵng đã thành lập hai Tổ công tác liên ngành, duy trì chế độ hoạt động thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, tài chính...

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố duy trì việc kiểm tra thực tế, tổ chức họp hằng tháng và đột xuất để chỉ đạo xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư theo quy định, nhất là đối với các dự án động lực trọng điểm, quan trọng trên địa bàn; đồng thời tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ công tác đền bù giải tỏa.

Các chủ đầu tư, quản lý dự án chủ động, linh hoạt trong tổ chức, triển khai các biện pháp thi công dựa trên nguyên tắc "bàn giao đến đâu, tập trung thi công đến đó". Nếu tiến độ triển khai chậm do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu, thành phố kiên quyết xử lý, chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu có năng lực yếu kém theo quy định.

Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh 3

Ảnh minh họa: Minh Dũng

Với gần 20 công trình giao thông trọng điểm có vốn đầu tư công hàng chục nghìn tỷ đồng, để bảo đảm tiến độ giải ngân, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã chủ động phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các cấp, các ngành. Trọng tâm là trách nhiệm của chủ đầu tư đối với từng dự án, công trình cụ thể. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm thành phố Cần Thơ, Phạm Văn Hiểu cho biết:

"Thành ủy Cần Thơ phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ làm tổ trưởng để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân các công trình trọng điểm. Hằng tháng, hằng quý, tổ công tác này họp với Ủy ban nhân dân thành phố, chủ đầu tư kiểm tra tiến độ, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để công trình bảo đảm theo kế hoạch. Đối với những công trình chậm, kéo dài, đội vốn, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nếu là nguyên nhân về phía địa phương, Thành ủy Cần Thơ sẽ xử lý, thay thế cán bộ có năng lực yếu kém".

Nhằm khắc phục tâm lý e ngại, sợ sai, không dám làm của một bộ phận cán bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Trần Việt Trường có nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để giải quyết nhanh các thủ tục của dự án.

Cán bộ, công chức không đùn đẩy công việc, tập trung thực hiện, giải quyết hồ sơ, cũng như phối hợp giải quyết nhanh các kiến nghị của các chủ đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành; chấn chỉnh xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ.

Lãnh đạo thành phố xem xét, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay luân chuyển cán bộ, công chức, bảo đảm tiến độ các công trình trọng điểm.

Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh 4

Một góc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thiên Vương

Liên tục tại các cuộc làm việc gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố trong thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, cả hệ thống chính trị phải tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng.

Theo đó, Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu Bí thư các huyện, thành phố trên địa bàn phải quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, thường xuyên giao ban để chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư công, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho từng dự án.

Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh 5

Khu tái định cư xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn đã hoàn thiện hạ tầng, chuẩn bị tái định cư cho người dân Dự án vành đai 3. Ảnh: Quý Hiền

Với mục tiêu giải ngân hơn 95% tổng vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ.

Thành ủy thành lập 13 Tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy để giám sát tiến độ thực hiện của 38 dự án lớn, quan trọng (kế hoạch vốn bố trí cho các dự án này là 49.694 tỷ đồng, chiếm 70% tổng kế hoạch vốn 2023 được giao).

Cùng với đó, Hội đồng nhân dân thành phố đã thành lập Đoàn giám sát để tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Đoàn giám sát đã giám sát thực tế nhiều dự án lớn, quan trọng và làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư, các địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải báo cáo tiến độ từng ngày, từng tháng; sự phối hợp giữa sở, ngành cần theo quy trình rút gọn, tất cả các thủ tục liên quan đầu tư công có thể rút gọn từ 30 ngày xuống còn một hoặc hai tuần.

Qua các đợt giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải tha thiết mong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết; từ lãnh đạo đến bộ phận tham mưu cần thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, xem việc thực hiện các dự án là cơ hội thể hiện và khẳng định năng lực, trình độ…

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục