Hầu hết phim truyện Việt giờ vàng phát sóng thời gian qua đều là “những đứa con cầu tự” đầy dị tật, nhờ oai ông bố có thần có thế mà nghênh ngang chễm chệ trên giờ vàng, trình diễn những thảm họa kinh hoàng của phim ảnh thời nay. Nhà đài sẽ cải tiến việc hợp tác, quản lý và phát sóng như thế nào để cho sóng giờ vàng được sạch?
Phim giờ vàng - Đứa con cầu tự
Trong vở chèo dân gian Quan âm Thị Kính có một nhân vật hề chèo đặc sắc là anh cu Sứt khiến bao nhiêu khán giả ôm bụng cười bò, góp phần làm nên tên tuổi của các nghệ sĩ chèo như Mạnh Tuấn, Xuân Hinh. Cu Sứt là con trai cả của quan huyện Tể, một đứa con cầu tự vừa sứt môi, vừa khoèo tay, vừa thọt chân. Cậy thế là con của thần linh ban cho, được bố mẹ cưng chiều nên Sứt vênh vang hỗn láo, nói với bố mình bằng những lời lẽ vừa hống hách vừa ranh mãnh. Nhưng hài hước là anh cu Sứt tập trung nhiều dị tật lại được bố giao cho một công việc hệ trọng là chủ hôn cho cô em gái Xúy Vân, khiến đám cưới nhà quan trở thành trò cười cho thiên hạ.
Hầu hết phim Việt giờ vàng xã hội hóa tạo nên thảm họa phim truyền hình trong thời gian qua cũng là những đứa con cầu tự nhiều dị tật như anh cu Sứt nhưng lại được giao cho trọng trách của người anh cả trong gia đình. Khi các nhà đầu tư đến đưa dự án phim mua sóng giờ vàng, họ cũng giống như các bà mẹ hiếm con đến chùa cầu tự. Hy vọng vào đứa con cầu tự ấy lớn lắm nên các nhà sản xuất phim - phần lớn là các đại gia - sẵn sàng chấp nhận bỏ thầu mỗi tập phim tới gần 2 tỷ tiền quảng cáo, nghĩa là mạnh mồm cam kết khi trở thành ông chủ của giờ vàng “anh cu Sứt phim” sẽ hái ra tiền cho nhà đài. Tự tin là điều tốt. Nhưng vấn đề là lời cam kết ấy không dựa trên cơ sở nội dung nghệ thuật chắc chắn nào mà chỉ dựa trên những bài toán về móc ngoặc mua bán quảng cáo trong quá trình chiếu phim!
Khi làm “lễ cầu tự” với nhà đài, các nhà sản xuất phim chỉ đem theo một đề cương vài chục trang và dăm ba tập kịch bản hoàn chỉnh để nhà đài biết mặt mũi hình hài của bộ phim tương lai. Nhưng đấy chỉ là bản phác thảo sơ sài, hầu như mới chỉ có bộ mặt, còn thiếu bao nhiêu thứ quan trọng khác như tay chân, râu tóc và nội tạng chưa kịp vẽ ra. Vậy mà hình ảnh phác thảo quá sơ lược ấy lại là cơ sở để nhà đài ký hợp đồng cho phép phim phát sóng giờ vàng, cấp sổ đỏ biệt thự cho bộ phim tương lai. Bộ phim mới chỉ là chút “tinh trùng nghệ thuật” loe ngoe trên giấy đã được cấp biệt thự trong giờ vàng, thật đúng là cậu quý tử được thần linh ban cho!
Cảnh trong phim Anh chàng vượt thời gian. |
Đứa con tập trung nhiều dị tật
Khi được nhà đài ký hợp đồng phát sóng, các nhà sản xuất phim yên tâm bỏ tiền ra tổ chức viết kịch bản, tổ chức sản xuất và quảng bá phim rầm rộ với bao nhiêu ngôi sao, ca sĩ, người mẫu và hoa hậu tham gia. Nhưng các bộ phim từ Bắc chí Nam được làm ra bởi các ê-kip nghệ sĩ khác nhau một trời một vực đều có chung một đặc điểm của cu Sứt trong chèo Quan âm Thị Kính là tập trung rất nhiều dị tật - vừa sứt môi, vừa thọt, vừa khoèo. Vì sao vậy?
Nguyên nhân chính nằm ở nghệ sĩ và guồng máy sản xuất phim. Không ít bộ phim được phó thác cho những nghệ sĩ hạng ba, hạng tư hoặc không có hạng nào. Viết kịch bản là đội ngũ các biên kịch chạy sô làm hàng chợ, cùng một lúc viết ba bốn phim dài tập. Đạo diễn có khi là các sinh viên điện ảnh mới ra trường được các nghệ sĩ có tên tuổi đứng tên nhận hợp đồng rồi giao cho làm hết. Mỗi biên kịch viết một phần, không có quy chuẩn nghệ thuật nhất quán như một tỷ lệ chung. Các đạo diễn trực tiếp làm phim lại không có đủ trình độ để có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt, cứ minh họa đơn giản theo kịch bản. Trong khi đó, hầu hết các phim đều quay cấp tốc nhằm hoàn thành dăm bảy chục tập phim trong dăm bảy tháng, nên không thể có thời gian cho các nghệ sĩ suy nghĩ, nghiền ngẫm, bàn bạc và luyện tập, xây dựng cảm hứng chung. Hơn thế nữa, phim dài tập thường quay theo bối cảnh, một ngày nhảy cóc qua hàng chục tập, có khi vì bị động về diễn viên và bối cảnh mà phải quay các tập cuối trước, quay các tập đầu sau.
Trong tình trạng đó, nếu đạo diễn và ê-kip không có tay nghề cao thì các phim sẽ thiếu đi sự nhất quán về cảm xúc, nội dung, tính cách và phong cách. Thậm chí, dễ xảy ra tình trạng đầu Ngô mình Sở, nhân vật vừa mới cạo râu xong, cất dao cạo bước ra sân thì lại thấy râu ria xồm xoàm như cũ. Nhiều bộ phim giống như một cơ thể chắp vá tùy tiện, chân ngắn chân dài, ngón cong ngón thẳng, y như người bị gù, bị khoèo, bị thọt, bị lệch vai.
Các nhà sản xuất bỏ vốn ra làm phim thường yêu cầu đạo diễn sử dụng các diễn viên ngôi sao như ca sĩ, người mẫu và hoa hậu để phim hút khách. Nhưng những người này nhiều khi lại chỉ quen khoe eo và ca hát trên sàn trình diễn, chưa có nghề như một diễn viên. Những diễn viên chuyên nghiệp thì lại hầu như không bao giờ đọc trước và học thuộc kịch bản, chỉ đọc qua trước khi quay, nhớ mang máng rồi khi diễn bịa ra theo trình độ của mình. Chút văn học trong kịch bản nếu có cũng bị rụng rơi đi. Nhiều diễn viên vừa diễn vừa nghe bên ngoài nhắc thoại để nói theo, thành ra rời rạc vô hồn, phim bị bai ra vì hàng ngàn hàng vạn những khoảng chết giữa cảnh quay do diễn viên chờ nghe nhắc vở. Vì thế, phim giống như người bị trề môi, sứt môi, dở hơi, nói lắm và nói ngọng!
Đến khi phim phát sóng thì nhà đài không thể đủ nhân lực, đủ thời gian để duyệt hết các tập một cách kỹ lưỡng, chủ yếu tin tưởng vào đạo diễn và các nhà sản xuất. Thậm chí, nhà đài chỉ duyệt mấy tập đầu tiên. Vì thế, “anh cu Sứt phim” thoải mái mang theo tất cả các dị tật lên sóng giờ vàng!
Giải phẫu thẩm mỹ cho “cu Sứt phim”
“Cu Sứt phim” là đứa con cầu tự mà các nhà sản xuất phim xã hội hóa xin từ nhà đài nên nhà đài trong tư cách thần linh chỉ có trách nhiệm dùng quyền phép để ban ân sủng cho các bà mẹ được thụ thai mà không có trách nhiệm chăm sóc, dưỡng thai. Thành ra các nhà sản xuất phim được tự do muốn đẻ ra đứa con kiểu gì thì đẻ, có sứt môi lồi rốn cũng chẳng sao! Tuy hợp đồng có ràng buộc các bộ phim vào các đề cương đã duyệt, nhưng cái đề cương sơ sài và kịch bản năm cha ba mẹ, viết ào ào mỗi ngày một tập, chỗ thiếu chỗ thừa nên phim trở thành đứa con nghệ thuật ra đời mang nhiều dị tật là điều dễ hiểu thôi!
Có thể nói, nguyên nhân sâu xa khiến phim giờ vàng yếu kém, nhiều dị tật là các bộ phim được sản xuất quá tự do, hầu như không chịu sự giám sát của nhà đài. Nhận thức được điều này, hiện nay, nhà đài đang tổ chức các Hội đồng thẩm định kịch bản và thẩm định phim để quản lý các phim xã hội hóa một cách nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn.
Ở ngoài đời, một người có quốc tịch nước ngoài có thể đứng tên trên giấy khai sinh nhận làm bố đẻ của một đứa trẻ Việt để nó có thể được xuất ngoại. Nhưng trong cuộc sống thực tế, ông bố hờ này không thể làm cái việc mang tư cách bố đẻ ra để quyết định cả cuộc đời của nó, hay đút túi tất cả tiền đứa bé ấy làm ra. Vậy mà, ông bố hờ của “cu Sứt phim” là nhà đài, tuy thực chất chỉ là đứng tên cho nhà sản xuất được quyền sử dụng sóng giờ vàng, song lại coi chính mình là bố đẻ, có quyền sở hữu cả cuộc đời đứa con, kiên quyết giữ bản quyền mua bán và phát sóng phim. “Cu Sứt phim” trên thực tế chỉ là một đứa con đẻ mướn, bà mẹ giao con xong thì bị gạt ra. Phim hay đến mấy thì cũng chỉ thu được một khoản tiền bằng một số spot quảng cáo mà nhà đài cho mình được hưởng trong lần chiếu đầu tiên.
Tình trạng hợp tác bất bình đẳng đó đã khiến nhiều nhà sản xuất không dám bỏ nhiều tiền thuê các nghệ sĩ có tay nghề cao, đầu tư xứng tầm vào bối cảnh phục trang và đạo cụ…để làm ra các phim có chất lượng. Nhận thức được điều này, nhà đài đang tìm kiếm các phương thức hợp lý hơn, như không trả bằng các spot quảng cáo như trước mà trả tiền trực tiếp cho nhà sản xuất phim hoặc mua đứt các bộ phim đã hoàn thành với chất lượng cao để chiếu.
Hy vọng, nhà đài sẽ thực hiện thành công những cuộc giải phẫu thẩm mỹ có hiệu quả, biến “cu Sứt phim” từ đứa con cầu tự vừa sứt môi, vừa khoèo, vừa thọt thành một hoàng tử đẹp trai con đẻ của nhà đài, ngự trị trên sóng giờ vàng với một vẻ hào hoa, lịch lãm và tinh tế!
Theo Báo SKĐS
(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/9, gia đình anh Bùi Văn Tiềm ở xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) lại đông vui hơn ngày thường. Mặc dù còn trẻ, vợ chồng mới dựng được nếp nhà sàn ra ở riêng nhưng anh vẫn nhớ mừng Tết Độc lập của ông bà và quê hương nơi đây. Vợ anh đã chuẩn bị gạo nếp hương từ tháng 10 năm trước và mấy con gà để đón tiếp anh em, họ hàng đến chung vui. Từ lâu, ngày 2/9 đã trở thành ngày Tết Độc lập, một phong tục đẹp của nhân dân cả vùng Mường Vang. Không chỉ tại xã Yên Nghiệp mà vùng Đại Đồng, Cộng Hòa, Quyết Thắng, đời sống tinh thần của bà con luôn được vun đắp, truyền thống đón Tết Độc lập luôn được phát huy.
(HBĐT) - “Những ngày Tết Độc lập, hầu hết những ai đang làm việc, học tập nơi xa đều cố gắng thu xếp công việc để được trở về bên gia đình, làng xóm. Cùng với không khí ấm cúng, sum vầy bên mâm cơm gia đình, mọi người lại cùng háo hức đón chờ để được hòa mình cùng tiếng đàn, điệu múa do chính bà con mình biểu diễn” - ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn cho biết.
(HBĐT) - Được nghỉ 3 ngày nhân Quốc khánh 2/9, Hương rủ Thảo về quê mình dự ngày Tết Độc lập ở một vùng quê miền núi.
(HBĐT) - Mỗi làng quê đều có một dòng sông, người dân đôi bờ sông ấy có những kỷ niệm riêng, những được mất, buồn vui mà dòng sông mang lại. Tôi sinh ra phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà, một làng Mường mà “chất Mường” đã phôi pha đi nhiều, dẫu vùng đất này mới “khai thiên, phá thạch” khoảng mười đời, từ lời ăn tiếng nói, nhà cửa đến những phong tục, tập quán khác. Có người ví: so với làng Mường cổ xưa, làng tôi bây giờ như vùng “nước lợ”! Không biết nên vui hay nên buồn? Sáng mở cửa là gặp dòng sông Đà, dẫu từ nhà tôi ra đến sông còn phải qua một cánh đồng. ở đó thấp thoáng bóng dáng bà con thân thích sớm chiều lam lũ, tôi và dòng sông đã song hành với nhau theo những thăng trầm của đời người- đời sông.
(HBĐT) - Gần đến Tết Độc lập, nhà nhà ở Mường Bi treo cờ Tổ quốc, đường phố rực rỡ cờ hoa, đâu đâu cũng thấy không khí tất bật chuẩn bị cho ngày Tết. Vào dịp này hàng năm, gia đình cụ ông Bùi Văn Nôm, cụ bà Bùi Thị Mán ở xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) cũng như các gia đình khác ở vùng Mường Bi lại được vui cảnh con cháu tụ họp, đoàn viên. Từ chiều hôm trước, gia đình cụ đã chuẩn bị mâm cỗ quả, làm bánh uôi bằng gạo nếp dẻo thơm vừa gặt để dâng lên bàn thờ Bác. Ngày Tết, mọi công việc đều hoãn lại, toàn bộ thời gian dành cho vui chơi, thăm thú, là dịp để anh em, họ hàng làng trên, xóm dưới gặp gỡ, quây quần.
(HBĐT) - Trong quãng đời làm báo ai cũng có những kỷ niệm cả vui lẫn buồn. âu đó cũng là duyên nghiệp. Người viết cũng không nằm ngoài số đó. Xin được kể một kỷ niệm không thể nào quên khi mới bước vào nghề.