(HBĐT) - Từ khi mới lọt lòng, Chi đã phải gánh chịu nỗi đau không có tay, lại sớm mồ côi cha. Thế nhưng, em không chịu đầu hàng số phận. Bằng nghị lực, sự động viên của gia đình, quan tâm sẻ chia của xã hội, Phan Mỹ Chi, ở xóm Ba Cầu, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) đã làm được tất cả mọi việc như những đứa trẻ bình thường bằng đôi chân kỳ diệu của mình. Đôi chân diệu kỳ ấy đã thay thế cho đôi tay khuyết tật để giúp Chi viết chữ, nhặt rau, quét nhà… quyết tâm đến trường với ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh, chăm sóc bà và mẹ.


Phan Mỹ Chi trong giờ học trên lớp cùng các bạn.

Số phận nghiệt ngã

Bé Phan Mỹ Chi bị khiếm khuyết đôi tay, bù lại em có khuôn mặt với đôi mắt sáng, dễ thương. Bà Đỗ Thị Lưu, bà ngoại bé Chi kể: Tháng 9/2014, bé Chi cất tiếng khóc chào đời, tuy nhiên, cháu không được may mắn như những đứa trẻ khác, ngay khi sinh ra đã không có 2 tay. Năm sau thì bố cháu mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Chi là con thứ 2 trong gia đình, cháu có anh trai sinh năm 2002. Mẹ cháu một mình nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống vô cùng khó khăn nên phải để 2 đứa con thơ ở nhà cho tôi chăm sóc để ra Hà Nội làm thuê, kiếm tiền nuôi gia đình.

Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình Chi, từ tháng 4/2017, UBND huyện Yên Thủy đã giao xã Ngọc Lương, Hội Chữ thập đỏ huyện, Phòng LĐ-TB&XH tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm và đề nghị UBMTTQ huyện phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bé Phan Mỹ Chi.

Ngôi nhà được khởi công xây dựng từ tháng 5 đến ngày 30/7/2017 hoàn thành với diện tích nhà ở 56 m2, tổng kinh phí xây dựng hơn 135 triệu đồng, trong đó, quỹ "Vì người nghèo” huyện, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ 132 triệu đồng. Ngôi nhà mới giúp gia đình Chi ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, bé Chi được đưa về ở với bà ngoại tại xóm Đồi 2, xã Ngọc Lương.

Vượt lên số phận

Bà ngoại bé Chi cho hay: "Lên 3 tuổi, Chi được đến lớp mầm non. Được các cô chăm sóc, giúp đỡ, dần dà cháu biết tự xúc cơm ăn, tự đánh răng, rửa mặt bằng chân. Nhìn cháu mà mừng rơi nước mắt”.

Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật ở nhà với bà, mỗi khi làm vườn, bà Lưu thường rải 1 chiếc chiếu ở gốc cây để cho Chi chơi. Mặc dù không có tay, nhưng cháu rất hiếu học, thường lấy cành cây kẹp vào ngón chân tập tô, tập viết, tập vẽ cho đến khi đôi chân bị chuột rút mới thôi. Bà Lưu nhớ lại mà không giấu nổi xúc động: "Hồi mới tập viết, cháu chịu khó lắm, thấy vậy, tôi động viên cháu cố gắng, không ngờ mấy tháng sau cháu đã viết được các chữ trong bảng chữ cái…”.

Lên 6 tuổi, như bao đứa trẻ khác, Chi được gia đình cho đi học tại Trường tiểu học xã Ngọc Lương A. Thầy giáo Đinh Trọng Kỳ, Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Lương A chia sẻ: "Khi nhận bé Chi vào trường, chúng tôi băn khoăn không biết cháu có thể theo kịp các bạn cùng trang lứa hay không. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp em theo học, nhà trường đã thiết kế chiếc bàn dành riêng cho em khi học tập trên lớp, đồng thời, hỗ trợ em mua sách… Nhờ nghị lực phi thường của bé, giờ đây, đôi chân của Chi đã làm được mọi việc như đôi tay. Chi viết chữ rất đẹp, được bạn bè, thầy cô khen. Trong 2 năm học từ lớp 1 đến lớp 2, năm nào Chi cũng đạt học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Tuổi còn nhỏ, Phan Mỹ Chi có thể chưa cảm nhận hết nỗi đau và sự bất hạnh mà em đang gánh chịu. Nhưng em chưa bao giờ thấy buồn vì cơ thể mình không lành lặn, mà chỉ cần được đi học là em rất vui. Chi chia sẻ về ước mơ của mình "Con muốn học thật giỏi để sau này làm bác sỹ chữa bệnh cho ông, bà, cho mẹ”.

Rời ngôi nhà cấp 4 rêu phong theo thời gian, tôi khâm phục nghị lực vươn lên trước số phận nghiệt ngã của bé Phan Mỹ Chi, mong sao Chi có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ của mình thành hiện thực trong tương lai.

Xuân Thiên

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)


Các tin khác


Nhà văn Bùi Đức Khiêm tặng sách trường Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Nhà văn Bùi Đức Khiêm, nguyên Tổng Biên tập Báo Công Thương vừa đến thăm và tặng hơn 600 đầu sách, tạp chí về văn học cho Trường Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Kim Bôi.

Tỉnh Hòa Bình có 28 thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 – 2023

(HBĐT) -   Tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023, tỉnh ta có 72 thí sinh tham dự ở 12 bộ môn: Toán học, Hóa học, Sinh học, Tin học, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung. Kết quả, có 28 thí sinh đạt giải (tăng 5 giải so với kỳ thi năm học 2021 – 2022).

Bàn giải pháp gỡ khó trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

"Cần khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học và bổ sung biên chế để thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" - Đây là vấn đề được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, diễn ra chiều 13/3.

Đảm bảo thuận lợi khi tuyển sinh trực tuyến

Năm 2022, mặc dù có nhiều lợi ích như tránh việc đi lại, tốn kém cho thí sinh, cũng đã có những sai sót xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Huyện Mai Châu: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường học

(HBĐT) - Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một trong những tiêu chí quan trọng, mang tính thiết thực, ý nghĩa đối với học sinh. Đây là khoảng thời gian các em có sự trải nghiệm sau những giờ học. Chính vì vậy, Hội Đồng đội huyện Mai Châu luôn quan tâm định hướng, chỉ đạo các liên đội chủ động, sáng tạo để tạo cho các em những khoảnh khắc đáng nhớ và học được những kỹ năng thiết thực trong cuộc sống qua hoạt động trải nghiệm.

Khối thi đua số 5 triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác khuyến học năm 2023

(HBĐT) - Ngày 9/3, Khối thi đua số 5, Hội Khuyến học tỉnh do Bộ CHQS tỉnh làm Trưởng khối đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác khuyến học và bàn giao Trưởng khối thi đua năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục